Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên: Dạy chữ đi đôi với “dạy người”

Thống Nhất| 14/12/2019 08:44

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Xác định vai trò trọng yếu trong công tác này, các trường học đã cụ thể hóa bằng nhiều cách thức, trong đó có việc coi trọng dạy chữ đi đôi với dạy người, nhấn mạnh vai trò nêu gương của nhà giáo và làm lan tỏa những điều tốt đẹp.

Khoảng trống trong công tác giáo dục

Đề cập đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên hiện nay, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, phần lớn học sinh, sinh viên có đạo đức tốt, song, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra...

Cần có những đổi mới trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Trong ảnh: Một giờ học của cô và trò Trường THCS Cự Khê (huyện Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt

Một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng tăng. Có thể điểm lại một số sự việc xảy ra từ đầu tháng 10-2019 trở lại đây, như: Nhóm học sinh nữ lớp 8 Trường Trung học cơ sở Long Hậu (Đồng Tháp) đánh một số học sinh lớp 6 học cùng trường.

Theo nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, tình trạng bạo lực học đường, những biểu hiện lệch chuẩn lối sống trong học sinh, sinh viên cho thấy khoảng trống trong công tác giáo dục, bởi không ít nơi còn xem nhẹ việc dạy đạo đức, rèn nếp sống đẹp cho học sinh.

Về phía cha, mẹ học sinh, bà Nguyễn Quỳnh Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm cho rằng, nguyên nhân học sinh chưa ngoan có phần trách nhiệm của gia đình. Nhiều người thường quan tâm đến việc con mình đạt kết quả như thế nào ở các bài kiểm tra hơn là khích lệ con tham gia các hoạt động trải nghiệm, hỗ trợ bạn bè hoặc phó thác trách nhiệm cho nhà trường...

Nhà trường đóng vai trò trọng yếu

Trước tình hình đó, ngày 4-12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg, trong đó đặt ra những yêu cầu cụ thể với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức đoàn thể...

Trong đó, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động, đào tạo và trải nghiệm; thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn giáo dục đạo đức...

Xác định vai trò trọng yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ đức, đủ tài, ngành Giáo dục đang tích cực cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nhà trường đang tích cực cập nhật, đưa vào chương trình đào tạo các quy định về giáo dục đạo đức, lối sống; tăng cường rèn kỹ năng ứng xử cho sinh viên và kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên...

Xuất phát điểm là trường có “đầu vào” trung bình, đến nay đã được “đóng dấu” chất lượng cao, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa luôn chú trọng cả việc học văn hóa và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ những trải nghiệm trong thực tế, học sinh trưởng thành hơn trong suy nghĩ, có ý thức trong học tập và tu dưỡng bản thân.  

Theo ông Kiều Trọng Sỹ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, năm học 2019-2020, Phòng đã tập trung chỉ đạo các trường học lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào tất cả các môn học, đồng thời lưu ý đến vai trò nêu gương của giáo viên. 

Đề cập đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên thời gian tới, ông Bùi Văn Linh cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm nâng cao chất lượng của hoạt động tư vấn học đường, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp học sinh, sinh viên; đổi mới phương thức đánh giá và khen thưởng, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Em Nguyễn Quỳnh Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên): Em rất mừng vì môn giáo dục công dân đã được đưa vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Em hy vọng với môn học này, học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế, chứ không chỉ đơn thuần là học lý thuyết.

Em Lê Đức Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm): Chúng em không chỉ học đạo đức thông qua môn giáo dục công dân, mà còn được rèn nếp sống, kỹ năng qua việc học tài liệu giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch. Em mong muốn các thầy, cô giáo tiếp tục đưa những câu chuyện thời sự, có tính nhân văn để cụ thể hóa các bài dạy như: Thế nào là lòng biết ơn; thế nào là tôn trọng lẽ phải, là trung thực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên: Dạy chữ đi đôi với “dạy người”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.