Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phải thắp lên ngọn lửa

Theo Đình Nam/Chinhphu.vn| 23/10/2020 17:18

Dự lễ khai giảng lần thứ 70 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sáng 23-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các thầy giáo, cô giáo, các sinh viên sư phạm cùng thắp lên ngọn lửa trong các thế hệ học sinh, các thế hệ người Việt Nam. Ngọn lửa trí tuệ. Ngọn lửa nhân văn. Ngọn lửa yêu nước, thương nòi. Ngọn lửa trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất cao. Ảnh: VGP/Đình Nam

Dù còn gần một tháng nữa mới đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) nhưng trong không khí phấn khởi và cũng rất trang nghiêm tại trường đại học sư phạm uy tín hàng đầu của cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ tình cảm kính trọng và tri ân tự đáy lòng tới các thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo đang ngày đêm vất vả gùi con chữ lên núi cao, chở con chữ ra hải đảo và nhất là các thầy cô giáo đang ở trong vùng lũ lụt miền Trung.

Vinh dự, tự hào và trách nhiệm

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là cái nôi của ngành sư phạm Việt Nam thời hiện đại và hiện nay vẫn giữ vững lá cờ đầu. Nhà trường đã vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm, lời dạy của Người: "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm, mà còn là trường mô phạm của cả nước” không chỉ là vinh dự, trách nhiệm, mục tiêu phấn đấu của trường mà của cả hệ thống các trường sư phạm và của đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục trên cả nước.

Mái trường này cũng là nơi khởi nguồn phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong thanh niên, học sinh, sinh viên và trở thành một trong những phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất thời kỳ đất nước còn chiến tranh.

Đây cũng là nơi công tác của nhiều nhân sĩ, trí thức mà tên tuổi và sự nghiệp còn sáng mãi như các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc… Cũng từ nơi đây, hàng vạn thầy cô giáo, cán bộ sinh viên các thế hệ của nhà trường đã tỏa đi mọi miền của Tổ quốc, góp phần xây dựng nền giáo dục thời đại Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những đóng góp to lớn và truyền thống rất đỗi tự hào của gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Đây là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Tiên phong, nòng cốt trong đổi mới giáo dục

Theo Phó Thủ tướng, hơn 30 năm Đổi mới, đất nước đã phát triển rất nhanh, rất toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, do xuất phát điểm quá thấp sau chiến tranh, Việt Nam chúng ta vẫn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và đang đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước. Nhanh hơn song nhất thiết cũng phải bền vững hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng, để có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tranh thủ được thời cơ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không bị tụt lại trong cuộc đua tranh quốc tế thì nhất thiết phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục chú trọng và chú trọng hơn nữa tới giáo dục và đào tạo, thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây là một quá trình, không thể hoàn thành ngay một sớm một chiều mà phải có lộ trình khoa học.

Để đổi mới thành công đương nhiên cần định hướng, chính sách, nguồn lực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Giáo dục cần sự chung tay gia đình, nhà trường, xã hội, nhưng vai trò của nhà trường vẫn là quan trọng nhất. Mọi sự thay đổi, đổi mới đều cần những lực lượng tiên phong, nòng cốt - những người phải quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình. Lực lượng đó, chính là cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên.

Lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” là lời thôi thúc toàn xã hội, toàn ngành giáo dục và trước hết là thầy và trò các trường sư phạm.

Năm học 2020-2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đón hơn 4.300 tân sinh viên. Ảnh: VGP

Xã hội kỳ vọng rất lớn

Nhắc lại truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo của dân tộc, Phó Thủ tướng cho rằng ở bất kỳ thời đại nào, thầy giáo, cô giáo cũng luôn được kính trọng. Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất cao. Từ xa xưa, người Thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách. Ngày nay, sự kỳ vọng đó vẫn còn nguyên cho dù nghề giáo, người Thầy không tách ra khỏi được những lo toan cuộc sống thường nhật. Ngành giáo dục luôn được kỳ vọng, được đòi hỏi phải như các nước phát triển nhất cho dù không thể tách rời ra khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

“Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người Thầy không chỉ là kiến thức, là trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa. Tôi thật sự trân trọng, ngưỡng mộ các thầy cô giáo và các bạn sinh viên chọn nghề giáo, chọn học trường sư phạm”, Phó Thủ tướng bày tỏ và mong muốn các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục có nhiều hoạt động có tính tiên phong, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Ảnh: VGP

Phải là ngôi trường mô phạm của cả nước

Tại lễ khai giảng, Phó Thủ tướng đã trao đổi với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về một số vấn đề, định hướng lớn.

Trước hết, nhà trường cần tập trung đổi mới mô hình quản trị nhà trường theo đúng tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW khóa XI và quy định của pháp luật về giáo dục Đại học; đảm bảo quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của nhà trường.

Tự chủ không có nghĩa là tự lo về tài chính mà quan trọng nhất là tự chủ về chuyên môn, về học thuật. Tinh thần tự chủ phải sâu rộng từ trường tới tất cả các phòng, khoa, tới từng cán bộ, giảng viên để phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ của mọi thành viên.

Trường cần có các quy chế rõ ràng, cụ thể, công khai minh bạch để mọi người cùng tuân thủ và giám sát, qua đó phát huy cao độ dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được môi trường thực sự khoa học, văn hóa của một nhà trường mô phạm. Mô hình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ phải là hình mẫu cho các trường sư phạm trong cả nước tham khảo, noi theo.

Đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên Trường Đại học Sư phạm phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đây phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, về tự học và sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy và có năng lực chủ động hội nhập. Điều quan trọng là luôn tự làm mới mình để đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó, trường còn có trách nhiệm tham gia công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các sinh viên sư phạm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Đổi mới phương pháp dạy và học, trước hết là những điểm yếu, bất cập nhất trong dạy và học của hệ thống giáo dục đã được nhận diện. Đó là chuyển từ truyền đạt một chiều, tiếp thu thụ động, thiếu phản biện sang cách học có tương tác và khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ và sự tham gia của người học.

Phó Thủ tướng cho biết đã được các thầy cô giáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như nhiều trường khác chia sẻ truyền đạt kiến thức cũng không dễ. Khơi dậy sáng tạo của người học khó hơn một bậc. Cao hơn nữa còn phải làm cho việc học là niềm vui để “học sinh mỗi ngày tới trường là một ngày vui” như Albert Einstein từng nói: “Nghệ thuật tuyệt đỉnh của giáo dục là khơi dậy niềm hạnh phúc được học tập và sáng tạo”.

Muốn vậy, các thầy cô giáo tương lai, các sinh viên sư phạm phải tự đổi mới trước và chắc chắn phải đổi mới rất nhiều. Bên cạnh đó, nhà trường rất cần tăng cường công tác sinh viên, công tác Đoàn thanh niên để sinh viên có thể tham gia nhiều hoạt động tự rèn luyện và các hoạt động xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người không chỉ có chuyên môn vững vàng, có tư duy sáng tạo, mà phải có cốt cách văn hóa, có đạo đức và phong cách mô phạm.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, có kế hoạch đầu tư hệ thống các trường sư phạm trong cả nước; tập trung đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Trước mắt và trực tiếp nhất là thực hiện thật tốt Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách đối với sinh viên sư phạm. Nếu các địa phương chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu của địa phương mình như quy định tại Nghị định mới này thì chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó là sự chỉ đạo, dành nguồn lực để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn và cơ sở vật chất, phấn đấu đảm bảo học sinh có đủ trường, lớp và thầy cô giáo để học thuận lợi ngày 2 buổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ các bạn trẻ hãy luôn hoài bão và dấn thân để được trải nghiệm và trưởng thành. Ảnh: VGP/Đình Nam

Dấn thân trải nghiệm và trưởng thành

Nhắn nhủ với các tân sinh viên sư phạm, những thầy cô tương lai, Phó Thủ tướng cho rằng những bạn trẻ đã lựa chọn một nghề cao quý, nghề trồng người, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng vốn quý nhất cho đất nước đó là con người.

Trong những năm tháng học tập sắp tới, các sinh viên sư phạm sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ việc làm, thu nhập tới đòi hỏi ngày càng cao của học sinh, phụ huynh, xã hội và cả sức ép của dư luận trước những hiện tượng, những hành vi tiêu cực không mang tính đại diện cho đội ngũ nhà giáo. Nhiều bạn đang là sinh viên nhưng đã phải rất nỗ lực, vất vả mưu sinh.

Nhưng, Phó Thủ tướng tin tưởng vào hoài bão, sự dấn thân của tuổi trẻ. “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. “Có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành. Miễn là trong tim, trong suy nghĩ của các bạn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và luôn nỗ lực, quyết tâm để vươn tới những điều tốt đẹp đó”, Phó Thủ tướng nói.

Dưới mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các bạn sinh viên sẽ có đầy đủ cơ hội để phấn đấu, tu dưỡng, hoàn thiện mình, trở thành những thầy giáo, cô giáo được học trò nhớ tới như những tấm gương khát khao học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước; về lòng nhân ái và những giá trị cao quý.

Nhắc lại câu nói của nhà thơ, nhà biên kịch người Ireland William Butler Yeats “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một bình nước mà là thắp sáng một ngọn lửa”, Phó Thủ tướng mong các thầy giáo, cô giáo, các sinh viên sư phạm cùng thắp lên ngọn lửa trong các thế hệ học sinh, các thế hệ người Việt Nam. Ngọn lửa trí tuệ. Ngọn lửa nhân văn. Ngọn lửa yêu nước, thương nòi. Ngọn lửa trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục phải thắp lên ngọn lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.