Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp: Lan tỏa tinh thần sáng tạo

Thống Nhất| 09/01/2021 06:09

(HNM) - 100% trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và đào tạo đã có những hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Đó là kết quả lớn nhất sau 3 năm triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Tuy nhiên, để thúc đẩy, làm lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, tạo môi trường hiện thực hóa các ý tưởng, cần có sự chung sức hỗ trợ từ nhiều phía.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với dự án khởi nghiệp Brick One - Hệ sinh thái giáo dục STEM được trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020. Ảnh: Hoài Nguyễn

Gắn học tập với thực hành

Nhằm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, tạo nền tảng về kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh, sinh viên có ý thức gắn việc học tập với thực hành. Từ việc thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 trường đại học vào năm 2018, đến nay, nhiều đơn vị đã có môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; coi trọng hơn việc kết nối với doanh nghiệp...

Một trong những hoạt động có tác động khích lệ, làm lan tỏa tinh thần sáng tạo, hình thành các ý tưởng khởi nghiệp ở các nhà trường là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Hơn 600 dự án khởi nghiệp đã tham dự cuộc thi cấp toàn quốc năm 2020, tăng 3 lần so với năm 2018. Trong số đó, thu hút sự quan tâm đặc biệt phải kể đến dự án khởi nghiệp Brick One - Hệ sinh thái giáo dục STEM của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ dự án này, hiện nhóm đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển công nghệ giáo dục toàn cầu BKTech với quy mô 43 nhân sự (phần lớn là sinh viên).

Anh Dương Thế Long - thành viên của nhóm, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật công ty chia sẻ: "Xuất phát từ mong muốn giúp học sinh phổ thông có tư duy tìm tòi, sáng tạo và giảm căng thẳng trong học tập, chúng tôi đã thiết kế một bộ sản phẩm dưới dạng lắp ghép kèm theo sách hướng dẫn. Quá trình thực hiện dự án, không chỉ được các thầy, cô trong trường tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn, thời gian, kinh phí, nhóm còn được nhà trường kết nối gặp gỡ, tiếp xúc với một số doanh nghiệp để biết được quy trình khởi nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư...”.

Đáng chú ý, sau cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, không ít dự án đã được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, như: Dự án sản xuất thực phẩm chức năng Nano Rutin của học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình); dự án MutilGlass: Thiết bị giao tiếp thông minh hỗ trợ người khuyết tật vận động, tài xế lái xe đường dài của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân...

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Văn Linh, các mục tiêu của đề án đến năm 2020 cơ bản hoàn thành. Cụ thể, 50% các trường đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp; 70% các trường đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn về kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Hiện đã có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Theo đó, các học viện, trường đại học chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên...

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo động lực lớn cho sinh viên, đồng thời nâng hiệu quả đào tạo của trường. Song, để thúc đẩy tinh thần sáng tạo của sinh viên, phải tạo cho sinh viên có tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, từ đó có tư duy đổi mới, tạo ra được những dự án khởi nghiệp khả thi...

Các sinh viên trải nghiệm Dự án thiết kế máy sát khuẩn tay tự động - một sản phẩm tham dự cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hoài

Kết nối nhà trường - doanh nghiệp

Ngoài việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, việc kết nối chặt chẽ và thường xuyên hơn giữa nhà trường với doanh nghiệp là giải pháp đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Hà Xuân Nhâm, cùng với tăng cường dạy học theo các chủ đề liên môn, thực hành, thí nghiệm, học sinh còn được hỗ trợ về thời gian, về chuyên môn và một phần kinh phí để hiện thực hóa các ý tưởng. Còn theo Tiến sĩ Đinh Quang Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Công nghệ giao thông - vận tải), cùng với việc kết nối với các doanh nghiệp, giúp sinh viên thêm cơ hội trải nghiệm, hoàn thiện kỹ năng, thời gian qua trung tâm còn triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên về khởi nghiệp.

Khẳng định sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân thông tin, hiệp hội tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường; đồng hành cùng ngành Giáo dục hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Hiệp hội cũng sẽ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp khai thác và đầu tư cho những dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, Bộ tiếp tục tạo môi trường, hỗ trợ nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Đồng thời sẽ chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp: Lan tỏa tinh thần sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.