Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh nghề: Theo sát thị trường lao động

Vũ Minh| 02/03/2021 20:09

(HNMO) - Khác với các trường đại học, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh vào nhiều thời điểm trong năm. Để thu hút người học, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021 được khởi động ngay từ đầu năm và theo sát nhu cầu của thị trường lao động.

 Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tổ chức tư vấn tuyển sinh năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Ưu tiên tuyển sinh hệ 9+

Theo kế hoạch, năm 2021, Hà Nội có hơn 110.000 học sinh được xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong đó, hơn 17.000 học sinh (tương ứng với 16%) học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề. Đây là nguồn đầu vào chất lượng, ổn định, nên ngay từ đầu năm 2021, các trường nghề trên địa bàn Hà Nội đã xác định rõ chỉ tiêu tuyển sinh với nhóm đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở để đào tạo theo hình thức học văn hóa song song với học nghề (hệ 9+).

Ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Bắc Thăng Long cho biết, năm 2021, nhà trường dự kiến tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu cho nhiều ngành, nghề, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ 9+ và 500 chỉ tiêu đào tạo theo đơn đặt hàng.

Còn ông Nguyễn Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội thông tin: “Năm 2020, chúng tôi đã tuyển sinh đạt gần 1.000 người, vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó 95% tổng số học sinh theo học tại nhà trường đang học hệ 9+. Phát huy kết quả đạt được, năm nay, nguồn đầu vào mà chúng tôi hướng đến vẫn là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”.

Nhiều trường cao đẳng nghề trên địa bàn Hà Nội cũng tập trung tuyển sinh hệ 9+. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh ít nhất 500 chỉ tiêu hệ 9+ (bằng 25% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021); Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội tuyển sinh ít nhất 400 chỉ tiêu hệ 9+ (bằng 25-27% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021).

Để người học tiếp cận được thông tin, từ đầu năm 2021, hệ thống trường nghề đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành tư vấn tuyển sinh đến đông đảo phụ huynh, học sinh bằng nhiều hình thức. Chị Nguyễn Thị Toan, ở thôn Hương Gia, xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) cho hay: “Tôi biết đến thông tin tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội qua hình thức trực tuyến. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, tôi định hướng cho con trai đăng ký học hệ 9+ với nghề công nghệ ô tô tại trường này”.

Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nghề hệ 9+ mang lại nhiều lợi ích. Vì thế, việc các trường nghề tập trung, ưu tiên tuyển sinh, đào tạo nghề hệ 9+ là hướng đi đúng, được thành phố hỗ trợ, khuyến khích thực hiện.

Bảo đảm chất lượng đầu ra 

 Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội tiếp tục hướng đến đối tượng tuyển sinh, đào tạo nghề hệ 9+.

Những năm gần đây, đa số trường nghề trên địa bàn Hà Nội tổ chức tuyển sinh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, bảo đảm người học chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhờ đó, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa thành phố ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Riêng năm 2020, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 215.000 người, vượt kế hoạch đề ra. Hoàn thành chương trình đào tạo, gần 90% số người học có việc làm. Năm 2021, Hà Nội phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 220.000 người...

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường nghề chủ động gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp uy tín để mở rộng tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề theo hình thức song hành. Trong thời gian học sinh, sinh viên học tại nhà trường, phía doanh nghiệp hợp tác sẽ bố trí người đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngược lại, khi người học đến thực hành kỹ năng tại doanh nghiệp, nhà trường sẽ cử cán bộ, giáo viên xuống kiểm tra, giám sát. Kết thúc chương trình đào tạo, hai bên nhờ đơn vị độc lập tiến hành đánh giá, nghiệm thu kết quả.

Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đánh giá, thông qua quy trình đào tạo khoa học, chặt chẽ và toàn diện, người học nghề theo mô hình đào tạo song hành có cơ hội lĩnh hội kiến thức mới, tiếp thu công nghệ mới.

Phối hợp với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội để đào tạo nghề theo hình thức song hành, ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm đào tạo (Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast) cho rằng, việc phối hợp đào tạo nghề toàn diện và chặt chẽ giúp doanh nghiệp có được lực lượng lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Về phía người học, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Văn Thiết, hiện là kỹ thuật viên cao cấp tại Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast Hải Phòng chia sẻ: “Mô hình học đi đôi với hành giúp người học phát huy tối đa năng lực, sở trường, từ đó rộng mở cơ hội việc làm”.

Năm 2021, các trường nghề trên địa bàn Hà Nội ưu tiên tuyển sinh những ngành, nghề đang cần lao động như công nghệ ô tô, cơ khí chính xác, tự động hóa, cơ điện tử, thiết kế đồ họa, chăm sóc sắc đẹp…. Đây là những giải pháp quan trọng nhằm đào tạo nghề theo vị trí việc làm, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh nghề: Theo sát thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.