Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" với 3G, sim rác và tin nhắn rác

Ngân Hạ| 20/11/2013 14:37

(HNMO)- Giá cước 3G tăng song chất lượng lại giảm sút? Khi nào sim rác không còn được bày bán công khai? Vì sao báo “lá cải” chưa được giải quyết triệt để?... Hàng loạt những vấn đề “nóng” đã được các ĐB QH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son


Mở đầu phiên chất vấn vào cuối chiều nay (20-11), đánh giá về nguy cơ an ninh, an toàn mạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong điều kiện hầu hết các thiết bị công nghệ ở nước ta đều nhập khẩu từ nước ngoài nên càng gây thách thức trong việc bảo đảm an ninh thông tin.

“Thời gian qua, đã có rất nhiều cuộc tấn công mà chúng ta gặp phải. Đó là nguy cơ các hệ thống mã độc ở các quốc gia khác tấn công “xuyên biên giới”, chiếm lĩnh mạng, chiếm lĩnh trang web ở Việt Nam. Từ tháng 3 đến tháng 6-2013, liên tục xảy ra các cuộc tấn công vào ngân hàng của Mỹ. Ở Việt Nam có khoảng 2.600 máy chứa mã độc này. 3 báo điện tử là Dân trí, Tuổi trẻ và Vietnamnet cũng vừa bị tấn công theo dạng từ chối dịch vụ” - Bộ trưởng nêu thực trạng.

Nguyên nhân do người sử dụng máy tính chưa đủ trình độ để quản lý một cách thành thạo, dễ bị nhiễm mã độc; mật khẩu đơn giản, dễ bị bẻ khóa; tải phần mềm miễn phí, trò chơi trên mạng có chứa sẵn mã độc…

Để phòng chống, có nhiều giải pháp như Bộ đã ra Thông tư 27 về quy định điều phối các hoạt động ứng cứu khẩn cấp. Và thực tế Việt Nam đã có Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính (VNCERT). Tổ chức này đã liên thông và hợp tác với quốc tế, cùng với các DN, hiệp hội an ninh, an toàn mạng trong nước thường xuyên ứng cứu khẩn cấp cho máy tính của Việt Nam và cũng tham gia ứng cứu khẩn cấp máy tính của quốc tế.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu nhiều giải pháp khác như đào tạo nguồn nhân lực về CNTT; tích cực triển khai các đề án trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin; Tăng cường hợp tác quốc tế…

ĐB Nguyễn Thanh Hải nêu chất vấn và tái chất vấn về việc: “Giá cước tăng song chất lượng lại không song hành, thậm chí giảm sút?”

Bộ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước 3G trong thời gian vừa qua tạo nên sức nóng, khiến dư luận rất quan tâm. Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, giá cước viễn thông từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng mà trong báo cáo thống kê hàng năm đều giảm.

Việc tăng giá cước là chủ trương chung của Nhà nước để phù hợp với quy định, luật hiện hành, thực tiễn VN và thông lệ quốc tế. Việc tăng giá cước không chỉ thu lại lợi nhuận phục vụ cho đầu tư hạ tầng mạng mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường viễn thông VN.

“Chất lượng mạng 3G chưa cao do chúng ta chưa có điều kiện về nguồn tiền nâng cấp chất lượng mạng trong khi người dùng tăng lên, tỷ lệ nghịch gia tăng đầu tư mạng. Việc tăng giá cước góp phần nâng cao chất lượng mạng hơn trong thời gian tới” – Bộ trưởng bày tỏ.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu đề nghị của dư luận xã hội điều tra, khảo sát xem xét lại các cột phát sóng truyền hình viễn thông vì nhiều cột đã sụp đổ, gây thiệt hại nghiêm trọng trong những cơn bão vừa qua. Ngoài ra, việc quy hoạch các cột này chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ, đặt ở khu dân cư, trên nóc nhà gây phản cảm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự an toàn của người dân.

Bộ trưởng thừa nhận các cột thu phát sóng phát thanh, truyền hình chất lượng chưa tốt. Một cột ở Nam Định, một cột ở Uông Bí đã bị đổ trong mưa bão. Nguyên nhân do chưa lường trước được bão lớn vừa qua nhưng chủ yếu vẫn là chất lượng cột chưa tốt. Do đó, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của ĐB và hứa sẽ chấn chỉnh hơn khi phê duyệt hạng mục này, bảo đảm chất lượng hạ tầng viễn thông nói chung, truyền hình nói riêng có chất lượng cao hơn.

Về việc quy hoạch hạ tầng viễn thông, trong đó có các trạm BTS, Bộ đang nghiên cứu để trình Chính phủ vừa phát triển viễn thông đạt chất lượng tốt vừa bảo đảm mỹ quan, an toàn cho người dân, đặc biệt trong mùa mưa bão và tăng cường dùng chung. Về việc phơi nhiễm sóng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đến nay, các tổ chức quốc tế đều chưa phát hiện ra trường hợp nào bị ảnh hưởng.

Nhiều ĐB nêu chất vấn đến thời điểm hiện nay, bộ chủ quản vẫn không quản lý được các dịch vụ mạng thuê bao trả trước, tin nhắn rác, khủng bố, lừa đảo…

Bộ trưởng phân tích tin nhắn rác trên thị trường hiện nay được chia làm 3 dạng: thông qua nhà mạng internet gửi đến các máy thuê bao; từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lợi dụng để nhắn tin quảng cáo và tin nhắn từ sim rác (không có đăng ký thông tin cá nhân).

Trong thời gian qua, để quản lý tin nhắn rác qua internet, Bộ đã kết hợp cùng với các nhà mạng ngăn chặn được. Quản lý các tin nhắn rác từ nhà cung cấp dịch vụ nội dung, chế tài trong NĐ72 cũng quy định rõ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung phải chấp hành theo quy định của pháp luật, không được nhắn tin quảng cáo, tin rác không mong muốn đến người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, Bộ có cuộc thanh tra tổng lực về sim rác. Sim bán trên thị trường do khuyến mại nhiều, dẫn đến hiện tượng dùng sim thay thẻ cào. Bộ trưởng cũng nêu một số chế tài giảm thiểu sim rác, nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng hơn nữa.

Cuối chiều nay, Bộ trưởng trả lời chất vấn liên quan đến công tác quản lý báo chí và quy hoạch báo chí. Nội dung này cũng sẽ được Bộ trưởng tiếp tục tiếp tục trả lời trong sáng mai (21-11).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" với 3G, sim rác và tin nhắn rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.