Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp

HNMO| 26/12/2018 14:02

(HNMO) - Chiều 26-12, Báo Hànộimới phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp".

16:43 26/12/2018

Phát biểu kết thúc cuộc giao lưu trực tuyến, ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, trong hơn 2 tiếng đồng hồ giao lưu, bạn đọc và các vị khách mời đã cùng nhau trao đổi hơn 40 câu hỏi và trả lời trong số hàng trăm câu hỏi mà độc giả trên cả nước đã gửi tới chương trình.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cảm ơn các vị khách mời đến từ Bộ KH-CN, Bộ NN&PT Nông thôn, Công ty cổ phần GreenPath Việt Nam và Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội, đã có những chia sẻ tâm huyết, chân thành và giàu tính thực tiễn.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh phát biểu kết thúc buổi giao lưu trực tuyến.


Qua những câu trả lời, các vị khách mời không chỉ cung cấp những thông tin hữu ích, giải đáp, làm rõ được nhiều nội dung quan trọng liên quan tới việc ứng dụng KH-CN nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, mà còn đưa ra những kiến nghị, giải pháp, gợi mở những hướng đi, kinh nghiệm quý cho sự hình thành và phát triển các giá trị bền vững trong nông nghiệp; đồng thời cũng cho thấy sự tâm huyết của các khách mời đối với việc ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, bạn đọc Hà Nội cũng như cả nước đã có một cái nhìn toàn diện, đa chiều về tình hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp.


Những ý kiến, trao đổi trong nội dung của cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay sẽ được Báo Hànộimới tổng hợp, nghiên cứu và lan tỏa trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới, báo Hànộimới điện tử, phục vụ công tác truyền thông về phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao trong thời gian tới; đồng thời đóng góp các giải pháp, đề xuất với Chính phủ bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao trình độ quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong nông nghiệp.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới mong tiếp tục nhận được sự cộng tác, hỗ trợ chặt chẽ từ phía Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông-Bộ KH&CN, Viện Di truyền Nông nghiệp-Bộ NN&PTNT, Công ty cổ phần GreenPath Việt Nam, Sở NN&PTNT Hà Nội trong thời gian tới.

16:36 26/12/2018

Việt Nam rất cần sàn giao dịch dành cho nông sản 

Bạn đọc Trần Thu Trà (Nam Định)hỏi: Một nguyên nhân mà doanh nghiệp thường nhắc đến khi nói về khó khăn trong thực hiện chuỗi giá trị gia tăng là tình trạng “bẻ kèo, ép giá” xảy ra ở khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đó là khi thị trường hoạt động bình thường, việc liên kết sẽ được thực hiện suôn sẻ, còn khi giá sản phẩm lên cao hoặc mất giá, tình trạng “bẻ kèo” hay “ép giá” sẽ phát sinh. Theo bà, vậy phải làm gì để người nông dân và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ rủi ro và lợi ích?

Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green Path Việt Nam:

Điều quan trọng nhất là phải có sự cam kết bằng hợp đồng, pháp lý. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải tạo môi trường để doanh nghiệp và người nông dân tương tác bình đẳng. Giải pháp là phải có chợ đầu mối giao dịch cho nông sản Việt Nam. Khi lên sàn giao dịch, mọi thông tin về giá, chất lượng, sản lượng sẽ được người bán và người mua trao đổi với nhau một cách minh bạch. Hiện nay, Việt Nam đang rất cần hình thức kinh doanh bằng sàn giao dịch dành cho nông sản. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề mấu chốt nêu trên.

Trên thế giới hiện nay, hình thức này rất phổ biến và đang phát triển bởi khi tham gia giao dịch, sản phẩm đó được định giá, ký hợp đồng và được đặt cọc trước khi thu hoạch. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư và doanh nghiệp có được nguồn tài chính đầu tư, giám sát vùng trồng của chính mình để quản lý sản phẩm của hai bên.

Nông nghiệp Việt Nam hiện tại cần phải chuẩn hoá về giống, quy trình sản xuất cũng như bảo quản sau thu hoạch và tạo quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, rộng lớn thì lúc đó việc áp dụng KHCN mới phát huy được vai trò của mình trong việc thay đổi về sản lượng, chất lượng cũng như tạo giá trị chuỗi bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.

16:20 26/12/2018

Giá trị quan trọng nhất là xây dựng niềm tin 

Bạn đọc Trần Thanh Hương (Ninh Bình)
hỏi: Là một trong những thương hiệu hàng đầu về sản xuất nông nghiệp hiện nay, bà có thể cho biết cụ thể giá trị mang lại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị của công ty thời gian qua?

Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green Path Việt Nam:

Chuỗi giá trị mà công ty Green Path đang xây dựng chính là niềm tin của các đối tác khi tham gia vào đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã được những tập đoàn lớn của Mỹ lựa chọn là đối tác hợp tác và triển khai chuyển giao công nghệ ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Chúng tôi đã có những hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư từ các đối tác nước ngoài bằng những sự hỗ trợ cụ thể của công ty Green Path và các chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. Sự hợp tác bền vững này nhằm phá vỡ những rào cản, cũng như giảm thiểu rủi ro cho đối tác khi họ đầu tư vào lĩnh vực KHCN tại Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi đầu tư và chuyển giao các công nghệ mới nhất về quản lý vùng trồng, kỹ thuật sản xuất và đưa ra những tiêu chí, yêu cầu rõ ràng về sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường “đích” của công ty và ký kết hợp đồng hợp tác. Đây là yếu tố quan trọng để bà con tin tưởng và hiểu rõ những mục tiêu cụ thể khi tham gia sản xuất vào chuỗi.

Bà Phùng Thị Thu Hương trả lời trực tuyến câu hỏi của bạn đọc

16:17 26/12/2018

Xây dựng chuỗi sản xuất sẽ giải quyết được tình trạng "bể kèo, ép giá"

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hằng
(hang.bgr@gmail.com) hỏi: Làm thế nào để dòng vốn có thể đến được với người sản xuất cũng như doanh nghiệp nông nghiệp một cách thuận lợi?

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội:

Trước đây, khi tổ chức theo hình thức cũ không có liên kết, việc tiêu thụ chủ yếu qua thương lái thì việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ rất khó khăn vì sản xuất như vậy mang lại nhiều rủi ro và tài sản thế chấp để vay vốn của người dân rất ít. Khi tổ chức sản xuất theo chuỗi, có doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định trên thị trường, người sản xuất có hợp đồng ổn định bảo đảm lợi ích lâu dài và các dòng tiền bán hàng từ người tiêu dùng thu về được qua ngân hàng hay tổ chức quản lý nguồn vốn giữ hộ, thì việc cho vay và tín chấp bảo đảm tính khả thi, sẽ tháo gỡ được khó khăn để tiếp cận vốn.

Khi các tác nhân cùng nhau xây dựng chuỗi khép kín, xây dựng được nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm và lợi ích của các khâu được hài hoà, được thể hiện bằng các văn bản giấy tờ pháp lý quy định chặt chẽ trách nhiệm, quyền hạn các bên tham gia.. thì sẽ giải quyết được tình trạng không bền vững trong ký kết hợp tác, tình trạng "bể kèo, ép giá". Bởi khi đó, ai cũng nhận thức được lợi ích lâu dài sẽ tốt hơn.

16:05 26/12/2018

Phương hướng đẩy mạnh liên kết chuỗi 

Bà Đào Thị Mây (Gia Thuỵ, Long Biên, Hà Nội)
hỏi: làm thế nào để thúc đẩy các tổ chức KH-CN quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các hoạt động KH-CN vào sản xuất, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; thời gian tới, phương hướng đẩy mạnh liên kết chuỗi như thế nào?

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội:

Để thúc đẩy đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu vào sản xuất, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thì phải đi khảo sát thực trạng sản xuất các chuỗi (vì nếu người sản xuất chưa tham gia chuỗi mà vẫn tiêu thụ qua thương lái với yêu cầu giá rẻ thì không bao giờ sẵn sàng tiếp nhận khoa học kỹ thuật), phối hợp cùng tác nhân của chuỗi đánh giá hiệu quả công nghệ hiện tại và bảo đảm đưa được hiệu quả công nghệ mới, đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn thì việc áp dụng sẽ thuận lợi.

Thời gian tới, việc đẩy mạnh liên kết chuỗi được thực hiện ở hai nội dung chính sau: Thứ nhất, các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố đã đưa ra những nội dung cần thiết để thúc đẩy phát triển chuỗi, do đó, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ các chuyên gia, các nhà chuyên môn tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ và tìm các tác nhân chủ chốt (làm chủ chuỗi) để tư vấn hình thành, phát triển các chuỗi.

Thứ ba, tổ chức việc cung cấp các dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chứng nhận tư nhân.

Ông Tạ Văn Tường trả lời câu hỏi trực tuyến của bạn đọc Báo Hànộimới

16:04 26/12/2018

Việc áp dụng KHCN không có gì là... cao xa

Bạn đọc Nguyễn Thị Hải (Bắc Ninh)hỏi: Muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào các khâu sản xuất. Xin bà cho biết, thực trạng việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN hiện nay để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp?

Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green Path Việt Nam:

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có điều kiện phát triển về nông nghiệp và cũng đang áp dụng KHCN để cải thiện về năng suất và hiệu quả chất lượng sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự định hướng cụ thể về việc áp dụng các ứng dụng KHCN mới vào việc sản xuất nhằm tôn trọng sự phát triển tự nhiên, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, cụ thể là việc thực hiện sản xuất sản phẩm theo xu hướng hữu cơ.

Hiện nay, thực trạng sử dụng phân bón hoá học, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là những vấn đề nan giải, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sức khoẻ của người nông dân cũng như chất lượng môi trường sống.

Bằng những hành động nhỏ của người nông dân khi tham gia vào sản xuất như thu gom rác thải bao bì các sản phẩm sử dụng ngoài đồng ruộng; sử dụng đúng liều lượng phân bón… sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường cũng như sự an toàn về sản xuất và sức khoẻ cho chính người nông dân. Điều đó cho thấy, việc nhận thức về áp dụng KHCN không có gì cao xa, mà những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực diễn ra hằng ngày trong đời sống đều có thể giúp ích cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

15:47 26/12/2018

KH&CN đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp

Bạn đọc Hồng Minh (quận Ba Đình) hỏi: Ông đánh giá như thế nào về tình hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay? KH&CN có vai trò như thế nào trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ: 

Trước hết, tôi xin nói về vai trò của KH&CN trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Như mọi người đã biết, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển đầy ấn tượng sau hơn 30 năm đổi mới vừa qua, thể hiện rõ nhất, tập trung nhất ở các điểm sau: Từ một nước còn thiếu lương thực trầm trọng những năm 80 trở về trước, đến nay, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã được coi là cường quốc về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, đứng thứ 15 trên thế giới với trên 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (gạo, rau quả, sắn, cao su, cà phê, tiêu, điều, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm gỗ ), xuất khẩu tới trên 180 nước, đạt kim ngạch trên 40 tỷ USD. Một số sản phẩm của ngành chăn nuôi như thịt lợn mảnh, thịt gà… trước đây chúng ta chỉ nhập khẩu thì đến năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đã xuất khẩu đi một số nước (thịt lợn được xuất khẩu đi Myanmar, thịt gà được xuất khẩu đi Nhật Bản).

Trong sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN. Chính KH&CN đã tạo ra các giống mới, nhất là các giống lúa chất lượng cao giúp giá gạo của Việt Nam tăng lên ngang bằng với Thái Lan, thậm chí còn cao hơn. Cùng với các giống mới, các tiến bộ KH&CN mới, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến được ứng dụng trên quy mô ngày càng rộng rãi đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, KH&CN đã đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp.

Đánh giá về thực trạng, mặc dù năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam tăng khá nhanh, một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 ngày càng phổ biến trong những năm gần đây, song nhìn chung, trình độ công nghệ, tình hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của nước ta chưa đáp ứng kịp nhu cầu tăng nhanh sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Do vậy, rất cần đẩy mạnh áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trong quản lý sản xuất để hàng nông sản Việt Nam có được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường trong nước cũng như thế giới.

Ông Nguyễn Văn Liễu trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Hànộimới

15:44 26/12/2018

Tìm những “đặc sản” địa phương làm lợi thế cạnh tranh

Bạn đọc Trung Hiếu (Thanh Trì) hỏi: Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị như chuỗi sản xuất tôm, cá, lúa... và đã có nhiều kết quả tích cực. Bà có kỳ vọng hay dự báo gì về kết quả của hoạt động này trong thời gian tới?

Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green Path Việt Nam:

Việt Nam sở hữu một khí hậu và điều kiện về địa hình đa dạng, đó là lý do Việt Nam có các mùa trong năm cho phép có nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú. Hiện nay, các tập đoàn lớn và những nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn Việt Nam để đầu tư sản xuất nông nghiệp, ví như gần đây có các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… quan tâm và đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam được biết đến là đất nước đứng đầu thế giới về các sản phẩm như: Tiêu, điều, cafe… , ngoài ra còn phải kể đến những sản phẩm về cây ăn quả rất đặc biệt như: vú sữa, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, bưởi... bởi đây là những sản phẩm có lợi thế đặc trưng về vùng miền, tạo nên hương vị và phẩm chất nông sản đặc biệt của Việt Nam đối với thế giới.

Chúng tôi và một số đối tác rất quan tâm xây dựng quy trình chuẩn và tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm mang tính chất “đặc sản” của từng địa phương. Đây sẽ là xu thế để tạo hướng phát triển mới cho ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam.



15:42 26/12/2018

Các khách mời trả lời câu hỏi của bạn đọc


15:41 26/12/2018

Phát huy lợi thế về phát triển nông nghiệp

Bạn đọc Hoàng Kiên (quận Thanh Xuân)
hỏi: Có ý kiến cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, trình độ công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, chưa có sự gắn kết giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp khiến cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ:

Tôi cũng thống nhất với nhận định như vậy. Mặc dù thành tựu trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn nhưng nếu chúng ta làm tốt hơn nữa, nhất là thực hiện đồng bộ các khâu ứng ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường nông sản Việt một cách bền vững, thì chắc chắn nền nông nghiệp của chúng ta còn phát triển hơn rất nhiều, vì nước ta rất có lợi thế trong phát triển nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.