Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ bền vững “lá phổi xanh”

Thanh Hải| 05/01/2019 08:08

(HNM) - Hồ Tây đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm môi trường nước.


Đề cập đến chất lượng nước hồ Tây hiện nay, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ, tuy nhiên vào mùa khô lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao... dẫn đến mất cân bằng, gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

“Theo kinh nghiệm quản lý trong nhiều năm, thì mực nước hồ Tây trong các tháng tới sẽ còn tiếp tục hạ thấp nên ngày càng có nhiều bãi nổi mới xuất hiện. Thời gian qua, tại hồ cũng đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Tại các hồ xung quanh lấy nước từ hồ Tây trước đây là nơi chuyên trồng sen, vài năm trở lại đây sen không thể phát triển được. Hiện, dưới đáy hồ có khối lượng lớn bùn, trầm tích lắng đọng, có nơi bùn dày gần 2m, nhiều năm không được nạo vét gây ô nhiễm môi trường” - ông Hùng chia sẻ. Trước thực trạng này, Công ty đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững như: Bổ cập nước kết hợp với công nghệ, sinh thái và quản lý chất lượng nước; nạo vét trầm tích, giảm lượng ô nhiễm tích tụ lâu ngày, tăng chiều cao cột nước; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

Thực tế, vấn đề cải tạo nâng cao chất lượng nước hồ Tây đã được nhiều nhà khoa học, cơ quan quản lý đề cập. Về việc này, Giáo sư Trịnh Thị Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh việc ủng hộ phương án xử lý nước hồ Tây. Theo giáo sư, sử dụng nước sông để bổ cập là tối ưu, nhưng do môi trường khác nhau, nên phải lắng lọc nước sông, thử nghiệm tỷ lệ pha nước và có thí nghiệm sinh thái cụ thể trước khi đưa vào hồ. Còn PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, không nên bổ cập từ hệ thống nước ngầm, mà nên lấy nước sông Hồng. Tuy nhiên, lượng nước lấy bao nhiêu, lấy theo mùa nào cần tính toán kỹ.

Với nhiều phương án chọn lựa, đa số nhà khoa học khi đề cập đến việc bổ cập nước hồ Tây cũng đều nghiêng về lựa chọn lấy nước từ sông Hồng vì chi phí thấp và phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch. Bởi, phù sa giảm, quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém. Do vậy, cần tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước. GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, cần tính toán việc bổ cập nước ở thời điểm nào cũng như nghiên cứu thêm phương án mà Chính phủ Áo đã hỗ trợ cho Hà Nội trước đây trong việc cải thiện môi trường nước hồ Tây. Việc lấy nước cũng cần phân tán giữa nước bổ cập và nước trong hồ, nước bổ cập không cần nhiều, cần tính toán giữ cân bằng nước và chức năng làm sạch nước hồ Tây…

Hiện tại, vấn đề cải tạo, bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững vẫn đang được các nhà khoa học bàn thảo kỹ càng để lựa chọn phương án tối ưu. Là đơn vị được thành phố giao nghiên cứu chất lượng nước hồ, đến nay Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã đưa ra phương án xây dựng trạm bơm kiểu cố định, sử dụng máy bơm chìm được đặt ở sát mép sông tương ứng mức nước thấp nhất của sông Hồng. Nước sông được tuyến ống dẫn từ trạm bơm qua ngõ 464 đường Âu Cơ, qua đê, đi theo đường Lạc Long Quân đến ngõ 612 Lạc Long Quân, đi vào lòng mương tiêu cạnh Công viên nước hồ Tây. Tuyến mương tiêu cũng được tận dụng để làm bể lắng cát thô và xây dựng bể lắng cát tinh trước khi đưa nước vào hồ. Đây được xem là phương án tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng, vừa đạt được mục tiêu bổ cập nước hồ trong mùa khô và đang được thành phố xem xét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ bền vững “lá phổi xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.