Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến chất thải thành tài nguyên

Vũ Khánh| 19/03/2019 07:28

(HNM) - Một trong các Giải thưởng Kovalepxkaia năm 2018 đã được trao cho tập thể các nhà khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với đề tài nghiên cứu hướng tới việc giải quyết các vấn đề nóng của cuộc sống...

Các nhà khoa học tại Bộ môn Công nghệ môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi nghiệp vụ.


Hướng tiếp cận “không chất thải”

Cụm công trình “Công nghệ xử lý, tận dụng chất thải - phân tích, đánh giá chất lượng môi trường” được trao Giải Kovalepxkaia của các nhà khoa học nữ Bộ môn Công nghệ môi trường tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính, là công nghệ kỹ thuật về xử lý và tận dụng chất thải; phân tích, đánh giá chất lượng môi trường. Từ đó, các nhà khoa học tập trung vào các vấn đề ô nhiễm môi trường, cùng các phương án công nghệ phù hợp để xử lý các dòng thải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xả thải, bảo vệ nguồn tiếp nhận. Công trình được đánh giá cao, bởi chú trọng việc nghiên cứu nhằm tái sử dụng chất thải. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường cho biết: Theo định hướng phát triển của công nghệ môi trường nói riêng và công nghệ nói chung, ngày nay việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở xử lý để đạt tiêu chuẩn môi trường về xả thải, mà tiến tới hướng tiếp cận “không chất thải”, tức là đưa ra giải pháp công nghệ để quay vòng, tái sử dụng và tận dụng 100% chất thải, biến chất thải thành các sản phẩm, nguồn tài nguyên hữu ích.

Một trong các mục tiêu của công trình là nghiên cứu, đưa ra các công nghệ phù hợp quy mô sản xuất nhỏ và vừa, có chi phí thấp, điển hình là các cơ sở sản xuất trong các làng nghề. Để tiết kiệm cho các cơ sở sản xuất, các nhà khoa học cố gắng đưa ra những giải pháp có thể tận dụng tối đa trang thiết bị, cơ sở hạ tầng sẵn có.

Với hai hướng nghiên cứu nêu trên, 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ môi trường đã chủ trì 33 đề tài và tham gia 65 đề tài nghiên cứu khoa học, từ cấp Đại học Quốc gia Hà Nội đến các đề tài hợp tác quốc tế. Trong thời gian này, 17 nữ cán bộ của bộ môn đã đóng góp 24 sách, giáo trình xuất bản trong nước; 3 sách quốc tế; 30 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, bao gồm 17 bài thuộc hệ thống ISI/SCOPUS, 114 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước… Một số người đã được mời phản biện cho các tạp chí khoa học chuyên ngành, các hội thảo trong và ngoài nước.

Ứng dụng vào cuộc sống

Trong cụm công trình đạt Giải thưởng Kovalepxkaia, có nhiều đề tài tiêu biểu với các sản phẩm và giải pháp hữu ích tận dụng chất thải từ các nguồn thải khác nhau. Đó là công trình từng được giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam về môi trường của Ngân hàng Thế giới, “Tận dụng bã giấy làm giá thể trồng nấm hay tận dụng bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà chủ trì. 8 cán bộ nữ của Bộ môn Công nghệ môi trường cũng đang tham gia đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu, xây dựng mô hình công nghệ khả thi quy mô pilot để xử lý bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng theo hướng tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng”.

Ngoài ra, bộ môn còn nghiên cứu, sản xuất “Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Kim Loan chủ trì. Sản phẩm đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2015. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà cũng đang là Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mô hình hóa trong công nghệ xử lý yếm khí nước thải giàu hữu cơ vào thực tiễn Việt Nam”.

Bên cạnh việc nỗ lực tìm ra những giải pháp khoa học, hay có các bài báo đăng trên tạp chí uy tín, các nhà khoa học luôn cố gắng để đưa được kết quả nghiên cứu vào phục vụ đời sống, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Nhiều đề tài, mô hình đã được triển khai ứng dụng như “Xây dựng hệ thống xử lý nước dệt vải nhuộm”, “Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao”, “Sử dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước thải”… Trong đó, đề tài xử lý asen trong nước ngầm đang được áp dụng thí điểm tại một số cơ sở trường học, y tế và hộ gia đình. Các nhà khoa học đã chế tạo được những thiết bị xử lý nước nhỏ gọn với giá thành thấp để có thể áp dụng trong thực tế.

Trong thời gian tới, cùng với Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, các nhà khoa học của Bộ môn Công nghệ môi trường tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu về độc học môi trường và an toàn thực phẩm, nhằm đánh giá các tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, chất lượng thực phẩm… đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, nếu chỉ nghiên cứu đến chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, mà không đánh giá, xem xét ảnh hưởng, tác động của nó đến con người và các sinh vật sống, thì chưa giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến chất thải thành tài nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.