Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạy "Vì một thế giới không rác thải"

Minh An| 27/04/2019 07:28

(HNM) - Người chạy mang bình nước từ nhà và hài lòng với giấy chứng nhận online về việc tham gia cuộc chạy… Đó là điều dễ nhận thấy ở cuộc chạy “Vì một thế giới không rác thải” diễn ra vào tuần trước tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Bỏ thói quen cũ

Anh Phạm Duy Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chạy vì mình - Run4self kể, ngay khi câu lạc bộ nhận được lời mời tham gia điều hành, tổ chức cuộc chạy, anh đã tính đến các giải pháp nhằm tôn lên ý nghĩa của cuộc chạy trên. Sự kiện này nhằm kỷ niệm Ngày Trái đất do Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Cũng vì vậy, Ban Tổ chức cuộc chạy mới thông báo, người chạy đăng ký tham dự qua cổng đăng ký online, không sử dụng giấy đăng ký. Khi hoàn thành cự li hai vòng hồ Hoàn Kiếm, người chạy sẽ nhận được giấy chứng nhận online.

Khách nước ngoài cầm theo bình nước khi tham dự cuộc chạy.


Câu chuyện sử dụng quá nhiều đồ nhựa trong các cuộc chạy hay những sự kiện khác luôn khiến anh Phạm Duy Cường cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Chạy vì mình phải suy nghĩ. Việc người chạy dùng chai nhựa một lần rồi bỏ đi, hay Ban Tổ chức sử dụng cốc nhựa tại các điểm tiếp nước rồi giấy xác nhận tham gia sự kiện cũng phải in ra…, những việc tưởng như nhỏ ấy lại góp phần gây áp lực với môi trường.

Chính vì vậy, Phạm Duy Cường và các thành viên trong câu lạc bộ mới tính đến các giải pháp: Khuyến khích người chạy mang theo bình nước cá nhân, hạn chế sử dụng cốc, chai nhựa. Tại một số điểm trên đường chạy, bình nước to được sử dụng cùng cốc thủy tinh, người chạy cũng có thể lấy nước vào bình đựng cá nhân của mình…

Trong ngày diễn ra cuộc chạy “Vì một thế giới không rác thải” ấy, nhiều bạn trẻ, người nước ngoài tham dự đã hưởng ứng tích cực. Anh Nguyễn Anh Nam (Tây Hồ, Hà Nội) mang bình nước từ nhà và rất hài lòng với việc này: “Khi tham dự một số sự kiện chạy bộ, thậm chí trong tập luyện hằng ngày, tôi thường sử dụng chai nhựa dùng một lần. Nhưng sau khi nhận được thông điệp từ cuộc chạy này, tôi đã mua bình đựng nước và sẽ sử dụng bình đựng nước nhiều hơn trong tập luyện cũng như khi tham dự sự kiện chạy”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, “Việc không sử dụng cốc nhựa tại những điểm tiếp nước của sự kiện này rất nên nhân rộng ở các cuộc chạy khác”. Còn bà Đặng Thu Trang, cán bộ truyền thông Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) nhìn nhận: “Những việc làm nhỏ này sẽ thúc đẩy mọi người quan tâm và cùng chung tay bảo vệ môi trường. Tôi tin rằng, những người tham dự sự kiện này và người thân của họ sẽ dần hình thành thói quen hạn chế sử dụng rác thải nhựa”.

Nhà tổ chức phải đi đầu

Cách đây ít tháng, trên trang cá nhân của mình, Phạm Duy Cường từng đặt vấn đề thay thế cốc nhựa, thậm chí là thay cốc giấy tại điểm hỗ trợ tiếp nước ở các sự kiện chạy bằng các loại cốc khác, thân thiện với môi trường. Chủ đề này nhận được sự phản hồi, trao đổi sôi nổi chỉ sau ít giờ. Điều đó chứng tỏ vấn đề hạn chế rác thải nhựa đang nhận được sự quan tâm. Thực tế, có thể tìm được các loại cốc “thân thiện với môi trường” nhưng giá thành lại đắt hơn nhiều lần so với cốc nhựa.

Phạm Duy Cường kể, đã tính toán sử dụng loại cốc từ chất liệu silicon nhưng giá quá đắt (khoảng 100 nghìn đồng/cốc). Vì vậy, trước mắt trong những sự kiện chạy của Câu lạc bộ Chạy vì mình, nhất là những sự kiện chạy “mở” (người đăng ký tham dự không phải đóng phí), câu lạc bộ chỉ sử dụng cốc thủy tinh hoặc cốc nhựa dùng nhiều lần tại các điểm tiếp nước. Ngoài ra, câu lạc bộ đã làm huy chương ghi nhận tham gia và hoàn thành cự li chạy từ rác tái chế trong một cuộc chạy vì môi trường của mình.

Anh Phạm Duy Cường luôn tin rằng, chính những người chạy hoàn toàn có thể truyền cảm hứng bảo vệ môi trường thông qua những hành động thiết thực của mình. “Việc đơn giản nhất là chính thành viên Ban Tổ chức mang bình nước từ nhà đến sự kiện. Như thế sẽ tạo hiệu ứng không nhỏ đến người xung quanh”, anh Phạm Duy Cường nói.

Hà Nội sẽ còn nhiều cuộc chạy, giải đấu thể thao và các sự kiện cộng đồng, cũng như các hoạt động thể thao hằng ngày khác. Nếu ở mỗi nơi, mỗi sự kiện đều có thông điệp hạn chế rác thải bằng hành động cụ thể từ nhà tổ chức thì sẽ tác động đáng kể đến người chơi và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạy "Vì một thế giới không rác thải"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.