Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học sinh cấp 3 sử dụng AI điều tiết đèn giao thông

Huy Nam| 15/07/2019 16:42

Ý tưởng sử dụng camera phân tích dữ liệu cho máy học, để điều tiết tối ưu đèn giao thông của đội STEME trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã giành giải Nhất cuộc thi Think Eco trong Ngày hội STEME hôm 14-7.

Ý tưởng này cũng là một trong rất nhiều dự án gây ấn tượng mạnh tại ngày hội quy mô về STEM do Dự án Đại học VinUni tổ chức, mang tư duy khởi nghiệp vào trong các nghiên cứu trên ghế nhà trường.

Biến trăn trở thành hành động thay đổi cuộc sống

“Thời gian lãng phí ở các ngã tư đèn đỏ là quá lớn”; “Tại sao người Việt thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm chỉ cho việc đi lại”; “Làm thế nào để giao thông vận hành thông minh hơn”… là những câu hỏi mà nhóm học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu trăn trở khi tham gia giao thông hằng ngày.

Biến trăn trở thành hành động, 5 học sinh nam đã tìm cách vận dụng các kiến thức đã học được tại Câu lạc bộ STEME do dự án Đại học VinUni khởi xướng để tìm cách giải quyết vấn đề bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Phần thưởng của đội chiến thắng là một chuyến đi thực tế tại Trung tâm Khoa học Singapore, thăm Công ty Google và Trường Đại học Công nghệ Nanyang.

“Không chỉ tốt về mặt ý tưởng khi gắn với một vấn đề thực tiễn tại Việt Nam là ùn tắc giao thông, đề tài đã được nghiên cứu rất công phu khi phân tích, đo đạc, kiểm thử chắc chắn. Việc sử dụng camera để máy học, từ đó có thể điều chỉnh tín hiệu giao thông, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, TS Đặng Văn Sơn, Nhà sáng lập và Giám đốc Học viện Sáng tạo S3, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận định.

Đội STEME trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) giành giải Nhất cuộc thi Think Eco với ý tưởng sử dụng camera phân tích dữ liệu cho máy học, từ đó điều tiết tối ưu đèn giao thông.

TS Sơn cũng cho rằng, Ban giám khảo đã phải làm việc rất cân não và sản phẩm của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành chiến thắng khá sít sao. Dù xuất phát điểm là các ý tưởng bình dị nhưng những sản phẩm trong ngày hội STEME đều có chất lượng rất cao, do chính các em làm, có khả năng ứng dụng tốt trong cuộc sống thực tiễn.

Trong Top 5 còn có ý tưởng biến rác hữu cơ thành đất trồng trọt của nhóm STEM trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Hồ Chí Minh); sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo phân loại rác hữu cơ và vô cơ của trường chuyên ĐHSP Hà Nội.

Ngoài ra là ý tưởng biến nước thải thành nước sạch sử dụng công nghệ sinh học của trường THPT Vinschool và máy đo bản đồ bụi và đưa ra cảnh báo của học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh).

CLB STEME trường THPT Vinschool gây ấn tượng với hệ thống xử lý nước thải thân thiện môi trường.

“Điều đáng vui mừng là các em đã quan tâm nhiều hơn các vấn đề xã hội, như các vấn đề về môi trường, xứ lý nước thải, làm sao để cuộc sống thông minh hơn… Bởi thông thường trong nghiên cứu khoa học từ phổ thông, các bạn thường đưa ra các vấn đề mang nặng tính học thuật, suy diễn, nhưng cuộc thi này thì khác”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam do Forbes bình chọn - Giám khảo cuộc thi đánh giá.

Tiềm năng khoa học được kết hợp tinh thần khởi nghiệp từ ghế nhà trường

Báo cáo đầu năm 2019 của Tổ chức Nghiên cứu về khoa học và công nghệ của Khối thịnh vượng chung cho thấy Việt Nam cần 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực STEM từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, một thực tế hiện tại là số học sinh THPT quan tâm đến các ngành nghề STEM ít hơn nhiều so với ngành nghề kinh doanh quản lý, tài chính ngân hàng.

Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup, cho rằng tất cả học sinh yêu thích khoa học công nghệ trên cả nước cần có được một môi trường được tự do học thuật, thỏa mãn những giấc mơ và phát kiến trong đầu. Và Dự án Đại học VinUni đã biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Giáo sư Vũ Hà Văn - người khởi xướng chương trình đưa STEME vào trường các trường THPT - nhấn mạnh, trong 6 tháng qua, kể từ khi Chương trình đưa giáo dục STEME tới học sinh THPT được triển khai đã có 20 dự án STEME trên cả nước thành lập và đi vào hoạt động sôi nổi.

“Trong 6 tháng qua, kể từ khi bắt tay vào triển khai, chúng ta có 20 dự án STEME trên cả nước và đó cũng là những dự án hiếm hoi kết hợp đào tạo cho các em học sinh. Và con số không chỉ dừng lại ở 20 mà còn được nhân lên thành 200, 2.000 câu lạc bộ để chúng ta có thể phát triển nền tảng trí thức của các em học sinh. Đây là bước đầu tiên tạo sự đột phá, đổi mới sáng tạo cho nền KHCN Việt Nam”, Giáo sư Toán của Đại học Yale tin tưởng.

Trong khi đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định, chương trình STEME từ Dự án Đại học VinUni hoàn toàn khác biệt với những chương trình đang được triển khai trên cả nước. Không những trang bị kiến thức, kỹ năng về STEM cho học sinh mà còn hình thành, đào tạo các phẩm chất thiết yếu của người công dân toàn cầu trong thế kỷ XXI như Tinh thần khởi nghiệp (Entrepreneurship mindset) và Kỹ năng học tập (Study Skills).

“Tôi bất ngờ khi các em đã có tư duy về tiền. Lần đầu tiên các em hiểu “rẻ không phải là tốt”. Vì sao? Khách hàng kỳ vọng đến một thứ mà người ta cần, hơn là một thứ rẻ. Các em phải làm quen được điều đó và các em bắt đầu đã làm được như thế”, PGS Thơ cho hay.

Với hướng đi bài bản và khác biệt, chương trình STEME của Đại học VinUni đã khuấy động không khí sáng chế tại các trường THPT trên cả nước, từ đó “đánh thức” tiềm năng nghiên cứu khoa học của các bạn học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để các em dễ dàng định hướng tương lai, nghề nghiệp, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh cấp 3 sử dụng AI điều tiết đèn giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.