Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa lối sống xanh

Mai Hoa| 30/07/2019 06:54

(HNM) - Không chỉ góp phần thu gom giấy và sách cũ để xây dựng thư viện, quyên góp cho học sinh vùng sâu, vùng xa, chuỗi hoạt động "Đổi giấy lấy cây" còn lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng. Phóng viên Báo Hànộimới đã trò chuyện với bà Phạm Thủy, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) - người trực tiếp phụ trách chuỗi hoạt động này.

Chuỗi hoạt động “Đổi giấy lấy cây” giúp lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.

- Bà có thể chia sẻ thông tin cụ thể về chuỗi hoạt động "Đổi giấy lấy cây"?

- "Đổi giấy lấy cây", hay "Đổi sách cũ và rác điện tử lấy cây" nằm trong chuỗi hoạt động thuộc dự án "Zero waste" của Thái Hà Books. Dự án xuất phát khi chúng tôi tiếp cận và xuất bản cuốn sách "Nhà không rác" - một cuốn sách về lối sống không rác, lối sống xanh.

Các hoạt động này được bắt đầu triển khai từ tháng 6-2019 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: "Đổi sách lấy cây", "Đổi rác điện tử lấy cây" (kết hợp với nhóm "Việt Nam tái chế - Tiếp bước tương lai" thực hiện, diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày 15-6, 16-6, 14-7); "Đổi giấy lấy cây" (kết hợp với nhóm "Green Life" thực hiện, diễn ra tại Phố sách Hà Nội vào các ngày 15-6 và 16-6); hoạt động "Đổi sách lấy cây" diễn ra từ ngày 20 đến 24-7 tại hệ thống Nhà sách Thái Hà.

Dự tính cuối năm nay, chúng tôi sẽ kết hợp với một số tổ chức cộng đồng thực hiện 12 hoạt động đổi sách, giấy lấy cây trên cả nước. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức nhặt rác tại các điểm công cộng, hướng dẫn trẻ em tái chế đồ dùng cũ, tổ chức các sự kiện giao lưu về chủ đề lối sống xanh…

- Với những hoạt động đa dạng và ý nghĩa như vậy, kết quả bước đầu tính đến nay ra sao?

- Khi triển khai các hoạt động này, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của bạn đọc trên cả nước, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền và hướng tới một lối sống xanh. Cụ thể, trong chương trình thu gom rác điện tử diễn ra ngày 15-6 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, chúng tôi đã thu gom được 450kg pin và 700kg các loại máy tính, tivi, tai nghe… chỉ trong 3 giờ đồng hồ. Cũng tại đây, hoạt động "Đổi sách lấy cây" ngày 16-6 đã thu gom được 70 thùng sách cũ. Tại Hà Nội, chỉ trong 2 ngày 15 và 16-6 đã thu gom được hơn 500 thùng sách và giấy. Tất cả đều được phân loại và chuyển đến những tổ chức, cơ sở có nhu cầu và mục đích sử dụng hợp lý.

- Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của chuỗi hoạt động này?

- Chúng tôi luôn trăn trở phải làm thế nào gắn hoạt động phát triển văn hóa đọc với cộng đồng, trong đó có vấn đề môi trường. Qua 2 tháng chuỗi hoạt động này diễn ra, sự tham gia nhiệt tình và đông đảo của bạn đọc, với số lượng sách, báo thu gom được - thực sự đã thể hiện sự lan tỏa của một nếp sống đẹp. Thêm nữa, việc hàng trăm sinh viên tình nguyện thu gom, phân loại và vận chuyển giấy, sách... đến các cơ sở tiếp nhận, phần nào khẳng định sự quan tâm của lớp trẻ tới các vấn đề cộng đồng, điều này thực sự ý nghĩa.

- Có câu chuyện nào khiến bà đặc biệt ấn tượng trong hành trình lan tỏa lối sống xanh?

- Quá trình hoạt động có rất nhiều niềm vui cũng như câu chuyện cảm động. Ví như có bạn đọc ở Bình Dương đã mang theo một thùng sách cũ bắt xe buýt đến thành phố Hồ Chí Minh gặp Ban Tổ chức không phải để đổi lấy cây, mà để tặng và cảm ơn chúng tôi vì đã thực hiện chương trình ý nghĩa.

Tại Hà Nội, ở Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm), vào những ngày nắng nóng nhất của tháng 6, hàng trăm thanh niên tình nguyện đã đến hỗ trợ Ban Tổ chức thực hiện chương trình mỗi ngày. Các bạn có mặt từ 7h đến 22h hằng ngày, chia thành nhiều nhóm triển khai như: Nhóm hướng dẫn, nhóm cân giấy sách, nhóm đổi cây, nhóm hướng dẫn chăm sóc cây, nhóm đóng gói... Sự đóng góp của các tình nguyện viên thật sự là câu chuyện vô cùng xúc động, góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa lối sống xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.