Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi người dân nên đóng góp bằng hành động cụ thể để bảo vệ môi trường không khí

Thu Trang - Minh Phú| 30/09/2019 17:09

(HNMO) - Ngày 30-9, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) đã cung cấp thông tin cho báo chí về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và bụi mịn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh những ngày gần đây và cách bảo vệ sức khỏe trước hiện tượng này.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, gần đây trên các phương tiện truyền thông đưa tin, hiện tượng mây mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là điều cần lưu ý bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

PGS.TS Vũ Văn Giáp khuyến cáo, khi đi ra ngoài đường, người dân nên đeo khẩu trang. Ngoài ra, mỗi người dân nên đóng góp từng hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, như: Hạn chế đốt vàng mã, đốt rơm rạ, than tổ ong; trồng thêm cây xanh; hạn chế phương tiện cá nhân… 

Trong khi đó, theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) kết quả quan trắc cho thấy, thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm (thời gian người dân đi làm và học sinh đi học). Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn sinh sống trên website: moitruongthudo.vn để có các biện pháp phòng tránh.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo: Trong trường hợp AQI hiển thị ở màu da cam và màu đỏ (kém và xấu), người dân nên hạn chế thời gian ở ngoài trời, đặc biệt nhóm nhạy cảm như: Người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh về hô hấp. Nếu bắt buộc phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt chuẩn có thể chống bụi PM2.5.

Chi cục Bảo vệ môi trường cũng khẳng định, những năm gần đây, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí như: Trồng hơn 1 triệu cây xanh; đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; thay thế xăng A92 bằng xăng E95; hạn chế, tiến tới ngừng sử dụng bếp than tổ ong…

Tuy nhiên, do thành phố Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, xe chở vật liệu và phế thải che chắn chưa đúng quy định… đã phát sinh bụi. Một nguyên nhân nữa là vào thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán bụi... ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí. 

Để cải thiện chất lượng không khí, thời gian tới, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường. Bên cạnh đó, mỗi người dân, gia đình cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người dân nên đóng góp bằng hành động cụ thể để bảo vệ môi trường không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.