Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt

Minh Điền| 28/10/2019 08:54

(HNM) - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng mênh mông sông nước, với 9 nhánh sông hạ nguồn Mê Kông. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt vào mùa khô. Các ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đang tìm nhiều giải pháp ứng phó với nguy cơ này.

Tình trạng hạn hán đã từng xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long và đang có nguy cơ lặp lại trong thời gian tới.

Số liệu từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích 3,94 triệu héc ta, dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số của cả nước. Đây là vùng có sản lượng nông nghiệp đứng đầu Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 cần khoảng 1,97 triệu mét khối /ngày; đến 2025 cần khoảng 2,65 triệu mét khối/ngày và đến năm 2030 con số này sẽ là 3,27 triệu mét khối/ngày, trong khi tài nguyên nước không phải vô hạn. 

Theo số liệu từ Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, thượng nguồn dòng sông này đang có hơn 100 thủy điện được xây dựng hoặc dự kiến xây trong thời gian tới. Nếu tính cả các dự án trong tương lai, con số này lên đến 467 thủy điện. Hơn nữa, các nước vùng thượng nguồn cũng đang lấy nước sông Mê Kông để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp. Những điều này dẫn đến nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt trong thời gian tới. 

Không chỉ đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt bề mặt, tình trạng khai thác nước ngầm quy mô lớn, diễn biến phức tạp ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đang dẫn tới nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhanh mực nước ngầm. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Viện Địa chất Na Uy mới công bố nghiên cứu cho thấy, do khai thác nước ngầm quá mức trong 15 năm qua, hiện tượng sụt lún đang diễn ra rất nhanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. 

Cùng chung nhận định, Ông Andreas Renck, đại diện Viện Khoa học địa chất và tài nguyên Liên bang Đức tại Việt Nam thông tin, những quan sát gần đây từ vệ tinh của Liên minh châu Âu cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị chìm xuống trung bình khoảng 11mm/ năm do khai thác nước ngầm không theo quy hoạch. Đặc biệt, ở một số nơi, tốc độ sụt lún diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng, có thể lên đến 50mm/năm. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để giải quyết thì đời sống, sinh kế của hàng chục triệu dân trong khu vực sẽ bị đe dọa.

Nhận thức rõ những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt, ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, quá trình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Kông.

Nhiều địa phương trong vùng đã chủ động lên kế hoạch ứng phó. Tỉnh Bến Tre đã đưa vào hoạt động hồ chứa nước ngọt Ba Tri có diện tích 60ha, cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của khoảng 200.000 dân ven biển; có kế hoạch nạo vét sông Ba Lai để trữ nước ngọt. Còn tại Cần Thơ, hệ thống điều tiết thủy lợi Ô Môn - Xà No sẵn sàng vận hành khi có hạn mặn, bảo vệ hơn 19.000ha đất nông nghiệp.

Về quy mô toàn vùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định, có thể lợi dụng địa hình tự nhiên của các tiểu vùng trũng để tích trữ nước ngọt như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long đã có một hệ thống kênh rạch chằng chịt, đa số đều có hệ thống cống kiểm soát mực nước, do đó hệ thống này rất thuận lợi cho việc chứa nước.

Còn để cấp nước sinh hoạt an toàn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho rằng: Trước mắt, cần ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho nhu cầu của người dân; từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn ở các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.