Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát nguồn thải, giảm ô nhiễm không khí

Nguyễn Mai| 29/10/2019 06:39

(HNM) - Từ giữa tháng 9-2019 đến nay, trên địa bàn Hà Nội, nhiều nơi có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém. Cùng với việc chỉ rõ nguyên nhân, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu do phương tiện giao thông cũ, lạc hậu, bụi công trình xây dựng...

Gia tăng ô nhiễm cục bộ, đâu là nguyên nhân?

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về chỉ số chất lượng không khí tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn thành phố trong tháng 9 và đầu tháng 10-2019 cho thấy, một số ngày chất lượng không khí trong ngưỡng kém. Đặc biệt, tại một số trạm quan trắc gần tuyến giao thông như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu… chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chất lượng không khí tại Hà Nội, từ ngày 12 đến 29-9, có nhiều ngày, nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết, từ năm 2013 đến nay, ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam có xu hướng giảm; tuy nhiên, trong từng thời điểm có tăng - giảm nhất định. Năm 2019, tại Hà Nội có sự khác thường bởi ô nhiễm cục bộ tăng. Thông thường, chất lượng không khí phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết (sương mù, mưa, hiện tượng nghịch nhiệt…).

Tháng 9-2019, Hà Nội ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua, nên đã xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Trong điều kiện bình thường, không khí thoát lên cao để phát thải, nhưng do hiện tượng nghịch nhiệt, bụi lơ lửng, khó phát tán nên gây ô nhiễm không khí...

Theo Giáo sư Hoàng Xuân Cơ - Khoa Môi trường (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội), ngoài những yếu tố nêu trên, chất lượng không khí còn do nguồn phát thải nội tại trên địa bàn. Các phương tiện tham gia giao thông cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong quá trình đốt cháy nhiên liệu. Hiện, Hà Nội có khoảng 6,6 triệu phương tiện giao thông, trong đó, khoảng 5,7 triệu xe máy khi lưu thông đã thải nhiều khói ra môi trường, gây ô nhiễm không khí. Đặc biệt, khi tắc đường, động cơ xe vẫn hoạt động, lượng khí phát thải rất lớn.

Trong khi đó, bà Lý Bích Thủy, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, sử dụng than ở các tỉnh lân cận cũng ảnh hưởng nhất định đến chất lượng không khí của Thủ đô...

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái thông tin, Hà Nội xác định nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu do giao thông, nhất là phương tiện cũ, lạc hậu; bụi công trình xây dựng; việc đun than tổ ong, đốt rơm rạ; rác thải chưa xử lý tốt; hoạt động công nghiệp, làng nghề...

Đồng bộ các giải pháp kiểm soát, khắc phục nguồn thải

Không nên đốt rơm rạ để góp phần giảm ô nhiễm không khí.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, theo Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, cần giải quyết ngay những việc cụ thể, như: Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông công cộng; sử dụng nhiên liệu sạch; đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát, loại bỏ phương tiện giao thông không bảo đảm điều kiện lưu thông...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết: Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường. Hiện, ngoài 10 trạm quan trắc không khí đang hoạt động, đến năm 2020, Hà Nội đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc (trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động). Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường (tăng cường xe quét rác, gom rác...).

Mặt khác, thành phố đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao, hồ; trồng thêm cây xanh... Xác định ô nhiễm không khí còn phát sinh từ nguồn sinh hoạt hằng ngày của người dân, Hà Nội đã, đang tăng cường xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng...

Chung sức cùng thành phố giải quyết những thách thức về môi trường, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Hà Nội tiến hành phân tích, xác định, kiểm kê nguồn thải, đặc biệt là nguồn gốc gây bụi mịn để có giải pháp xử lý cụ thể.

Thực tế cho thấy, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng khác chính là nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Đặc biệt, người dân Hà Nội cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường sống qua việc làm cụ thể như: Không sử dụng bếp than tổ ong, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, không đốt rơm rạ... nhằm góp phần giảm lượng phát thải gây ô nhiễm không khí và tránh được nhiều hệ lụy khác về môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát nguồn thải, giảm ô nhiễm không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.