Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra dự án thí điểm xử lý ô nhiễm nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor

Quang Thái| 30/10/2019 16:24

(HNMO) - Trưa 30-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã đi thị sát dự án lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor tại hồ Tây (Hà Nội).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát dự án lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor.

Sau khi nghe đại diện dự án lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor báo cáo về các vấn đề liên quan đến việc xử lý nước trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án, về tiêu chí xử lý mùi, bùn, một số chất mà công nghệ cơ bản đã làm được; đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong việc xử lý ô nhiễm trên sông, hồ ở Việt Nam.

Lưu ý về công nghệ, Bộ trưởng nêu thực tế sông hồ ở Nhật Bản khác với Việt Nam, bởi ở Nhật Bản, nước đã được xử lý ở đầu nguồn trước khi đổ ra sông, còn tại Việt Nam, hằng ngày, các sông vẫn phải nhận nước thải, trong đó có nhiều chất hữu cơ, vô cơ. Trước tình hình thực tế, Bộ trưởng đặt thêm điều kiện để đơn vị thí điểm tính toán cho phù hợp.

Sự khác biệt giữa nguồn nước trong và ngoài khu vực thí điểm.

“Các hồ ở Việt Nam là hồ mở, lượng nước mưa vào lớn, nên cần tính toán đến chi phí xử lý làm thế nào để Việt Nam có thể đầu tư được. Các quy chuẩn của Việt Nam đang dựa trên thực trạng môi trường, nếu áp dụng công nghệ này, phải tính đến việc nâng quy chuẩn môi trường mức cao nhất, an toàn nhất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, phải xem xét đến tính khả thi, phù hợp của công nghệ và tính toán đến hiệu quả kinh tế nếu ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam.

Khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor tại hồ Tây.

Trước đó, ngày 16-9, sau 3 tháng lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor trên sông Tô Lịch và một góc hồ Tây, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cùng các đơn vị môi trường của Việt Nam đã lấy mẫu nước ở 2 khu vực để phân tích, đánh giá.

Theo kết quả phân tích chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây của Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) và Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 36/36 chỉ tiêu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08.

Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, ở hồ Tây giảm 30 lần. Nước ở khu  xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.Coli giảm 1.100 lần. Nước khu xử lý thả cá Koi tại hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần. Bùn ở sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm (từ 91,3cm còn 15cm); tại hồ Tây giảm nhiều nhất về 0cm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra dự án thí điểm xử lý ô nhiễm nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.