Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bỏ bếp than tổ ong – việc không thể chần chừ!

Tuyết Minh| 30/10/2019 17:17

(HNMO) - Theo lộ trình, thành phố Hà Nội sẽ loại bỏ việc sản xuất, sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày vào năm 2020, nhằm giảm thiểu việc ô nhiễm không khí, tạo khói và bụi độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để đạt được kết quả theo đúng lộ trình đã đề ra, các cơ quan quản lý cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt đi đôi với tuyên truyền, vận động người dân.

Sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Nhiều tác hại nhưng vẫn dùng...

Biết là ảnh hưởng sức khỏe, nhưng sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu vẫn là thói quen khó bỏ của nhiều người dân Hà Nội. Không chỉ gây ra các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, những ai bị nhiễm độc khí than quá lâu sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, mất phản xạ ở vỏ não, phụ nữ có thai dễ bị sảy thai, sinh non, thai bị dị tật...

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong khắp Thủ đô đốt lửa mỗi ngày. Như vậy, tính trung bình một ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí. Điều này có nghĩa là mỗi ngày không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí thải khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Hà Nội cho biết, nhiều người dân sử dụng bếp than tổ ong theo thói quen mà không biết khi đốt, than tổ ong sẽ phát sinh ra khói, bụi mịn PM2.5 và khí thải khác như CO2, CO, SO2... Những độc tố này dù không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức nhưng lại phát bệnh sau thời gian dài.

Ngoài ra, người sử dụng còn gặp nguy cơ mắc ung thư khi phơi nhiễm trực tiếp với khí CO. Theo khảo sát, có 41% mẫu phơi nhiễm với hệ số ILCR (hệ số rủi ro ung thư) vượt quá mức trung bình theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt cũng gây mất mỹ quan đường phố.

Bà Nguyễn Thị Hưng, kinh doanh quán bún chả trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) cho biết, từ 20 năm nay, bà thường xuyên sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu, chế biến vì rẻ và khá tiện lợi. Hơn nữa, là hộ kinh doanh nhỏ, sử dụng vỉa hè nên khi dùng bếp than cũng tiện lợi trong việc di chuyển.

“Nếu đổi sang bếp điện thì lại phải kéo nguồn điện, còn bếp gas phải mang vác rất nặng và giá thành thì đắt hơn nhiều”, bà Hưng cho hay. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận khí than bốc lên rất khó thở, bà thường xuyên bị viêm đường hô hấp vì phải hít khói bụi trong thời gian dài.

Chị Bùi Thu Hương, chủ cửa hàng kinh doanh bánh cuốn trên phố Hàng Điếu (Hoàn Kiếm) cho biết, do giá thành rẻ nên chị thường xuyên sử dụng than tổ ong để tiết kiệm chi phí, dù vẫn biết khí than độc hại.

Không chỉ gây ô nhiễm không khí, khói bụi, việc sử dụng bếp than tổ ong trong các nhà hàng, quán ăn cũng gây mất mỹ quan đô thị. Nhiều quán hàng trên các con phố có cửa hàng dùng một bếp, thậm chí dùng ba, bốn bếp cùng một lúc trông rất nhếch nhác.

Cần nhiều biện pháp quyết liệt

Mặc dù, sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị nhưng để thay đổi thói quen này không dễ. Theo khảo sát, người sử dụng chủ yếu là các hộ kinh doanh ăn uống, người lao động có thu nhập thấp, người nghỉ hưu. Đa số những hộ dân này đều không muốn thay đổi vì sẽ tăng chi phí.

Thời gian qua, Sở TN-MT Hà Nội đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan, tiếp tục triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường tại một số phường trên địa bàn thành phố. Người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm bếp trước khi mua, đồng thời được hưởng mức giá ưu đãi (thấp hơn giá thị trường trong khoảng 30 - 40%).

Tuy nhiên, theo một số người dân, việc sử dụng bếp cải tiến còn gặp nhiều vấn đề chưa thuận lợi như khi dùng bếp than tổ ong thì thời gian cháy hết 1 viên than tổ ong khoảng 4 tiếng trong khi thời gian cháy hết 1kg nguyên liệu của bếp cải tiến chỉ khoảng 2 tiếng.

Việc mua nguyên liệu để đun cũng chưa thuận lợi, chi phí đắt hơn cũng là rào cản khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải tính toán cân nhắc. Cụ thể, giá than tổ ong đang có giá 3.000 đồng/viên, trong khi với bếp cải tiến, giá nguyên liệu từ 3.500 đến 4.000 đồng/kg.

Cần nhiều giải pháp quyết liệt để loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong sinh hoạt.

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than và bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong và vận động người dân sử dụng các loại bếp thay thế phù hợp, từng bước triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong tại một số quận, khu đô thị trên địa bàn thành phố.

“Sở kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để trợ giá cho các bếp cải tiến và nhiên liệu đốt đạt tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Tiếp đến, chúng tôi sẽ đề xuất, xây dựng và ban hành quy định cấm các hộ gia đình sử dụng, sản xuất, kinh doanh bếp than tổ ong. Mục tiêu thay thế 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố và duy trì trong những năm tiếp theo", ông Định khẳng định.

Với quyết tâm cao và nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong sinh hoạt vào năm 2020 có thể trở thành hiện thực và góp phần giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ bếp than tổ ong – việc không thể chần chừ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.