Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ các phòng thí nghiệm: Tăng kết nối, tăng hiệu quả

Mai Hà| 12/11/2019 07:09

(HNM) - Không chỉ tăng hiệu quả khai thác của các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị hiện đại nhàn rỗi hay cung cấp các dịch vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, mô hình chia sẻ phòng thí nghiệm LabShare còn kết nối các nhà khoa học trong cộng đồng và đem kết quả khoa học phục vụ trực tiếp người dân.

Mô hình chia sẻ phòng thí nghiệm giúp các nhà khoa học trẻ tham gia các dự án lớn.

“Uber” của các phòng thí nghiệm

Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, song các viện nghiên cứu, trường đại học cũng như doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một chú trọng đầu tư cho ra đời các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, góp phần tích cực nâng cao hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, tính chất hoạt động nội bộ và phân bố không đều dẫn đến việc khai thác tiềm lực còn bị bỏ ngỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, do điều kiện hạn hẹp, rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc mua sắm, trang bị các thiết bị phòng thí nghiệm bởi giá thành rất đắt đỏ. Đến từ phòng nghiên cứu của Khoa Y dược, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Nhung chia sẻ: Trong lĩnh vực hóa học, việc nghiên cứu cần mua hóa chất, song chúng tôi không được mua với số lượng nhỏ, riêng lẻ, mà phải mua số lượng lớn, chi phí cao mà thực tế sử dụng lại không nhiều...

Trong khi đó, một số đơn vị nghiên cứu ở nơi khác lại có các trang thiết bị nhàn rỗi hoặc đang thiếu những vật liệu mà đơn vị khác không dùng đến. Trước những khó khăn trong việc phát huy hiệu quả nhân lực, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu, năm 2018, nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội,... và một số cá nhân đã thành lập Dự án khởi nghiệp LabShare - Kết nối và chia sẻ tài nguyên khoa học. Dự án này thông qua việc liên kết các phòng thí nghiệm, giúp các tổ chức trong và ngoài nhà trường có nhu cầu cung cấp, sử dụng dịch vụ khoa học có thể kết nối dễ dàng tới nguồn thông tin, tìm được đơn vị có nguồn tài nguyên khoa học phù hợp, tăng hiệu quả sử dụng cho các trang thiết bị nhàn rỗi. Mô hình này được gọi vui là “Uber của các phòng thí nghiệm”.

Tiến sĩ Trần Thị Huyền Nga, thành viên nhóm LabShare cho biết: Không chỉ cung cấp các dịch vụ trong nghiên cứu, thí nghiệm, LabShare còn giúp kết nối, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ thiếu kinh phí, có thể tham gia đề tài lớn thông qua việc chia sẻ phòng thí nghiệm cũng như thiết bị, dụng cụ, hóa chất trong nghiên cứu.

Để thực hiện việc kết nối này, nhóm đã xây dựng các nền tảng trực tuyến bao gồm trang web, ứng dụng điện thoại, kết nối mạng xã hội và nền tảng ngoại tuyến bao gồm các cơ sở phòng thí nghiệm. Theo ông Đỗ Đình Thắng, thành viên nhóm LabShare: Hiện tại, LabShare đang định hướng xây dựng một trang web tương tự trang thương mại điện tử với những người cho thuê thiết bị và những người có nhu cầu thuê.

Cần thêm nguồn lực

Ưu điểm nổi bật của LabShare là đã kết nối được các trung tâm phân tích theo tiêu chuẩn Vilas, là tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng môi trường, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng về quan trắc, phân tích các chỉ tiêu trong môi trường đất, nước, không khí. Từ lúc LabShare ra đời đến nay, có nhiều người dân đã gửi mẫu nước sinh hoạt đến phân tích để biết được chất lượng nước đang sử dụng. Với nhu cầu này, LabShare đã tư vấn cần phân tích những chỉ tiêu gì, gửi mẫu đến đâu, quy trình ra sao, để có đánh giá chính xác nhất.

Đi vào hoạt động không lâu, LabShare đã thu được những thành quả bước đầu với 19 đơn vị được kết nối, trong đó có 6 phòng thí nghiệm chuẩn Vilas và có 4 đơn vị tư nhân, phần lớn là các phòng thí nghiệm thuộc những viện, trường có nhiều trang thiết bị và quy tụ nhiều nhà khoa học giàu kinh nghiệm tại Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)…

Tuy nhiên, dù có nhiều thuận lợi trong quá trình hoạt động và đạt một số kết quả khả quan, LabShare đang gặp phải một số khó khăn khiến hoạt động chưa có được hiệu quả như mong muốn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có tư cách pháp nhân để hoạt động một cách độc lập, nên chưa thể ký hợp đồng giao dịch, xuất “hóa đơn đỏ” theo yêu cầu của khách hàng. Theo Tiến sĩ Trần Thị Huyền Nga, Trường Đại học Khoa học tự nhiên: “Hiện tại các đơn vị có đủ năng lực sẵn sàng tham gia mạng lưới LabShare chưa nhiều, mức độ sẵn sàng chưa cao, do có thể còn dè dặt, thăm dò, chưa thấy việc tham gia mang lại nhiều lợi ích cho họ”.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trong thời gian tới LabShare sẽ tích cực tối ưu hóa các quy trình kết nối và mở rộng mạng lưới với nhiều đơn vị, công ty trong và ngoài nước nhằm cung cấp đa dạng các dịch vụ khoa học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nền tảng ứng dụng trực tuyến cũng sẽ được đẩy mạnh để tự động hóa các quy trình và tăng kết nối giữa người cung cấp và người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ các phòng thí nghiệm: Tăng kết nối, tăng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.