Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viên nén sinh khối: Góp phần giảm ô nhiễm không khí

Minh Quân| 19/11/2019 07:10

(HNM) - Mỗi năm, trên cả nước đang lãng phí một lượng lớn các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, bã mía... Các nhà khoa học tại Đại học Thái Nguyên đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất viên nén sinh khối, nhằm tận dụng năng lượng từ nguồn phụ phẩm của ngành Nông nghiệp, góp phần tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Dây chuyền này cũng có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ và than tổ ong ở Hà Nội.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tránh việc đốt bỏ, góp phần giảm ô nhiễm không khí.

Nhu cầu ngày càng tăng

Tìm kiếm và khai thác nguồn năng lượng tái tạo đang là hướng đi mới nhằm giải quyết bài toán năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu sinh khối (biomass) được coi là một dạng nhiên liệu tái tạo, do được tạo nên chủ yếu từ nguồn nguyên liệu thực vật và các chất thải nông, lâm, ngư nghiệp. Ưu điểm của nhiên liệu sinh khối so với nhiên liệu hóa thạch là khi đốt không tạo ra khí SO2, một loại khí rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Nhiên liệu sinh khối lại sẵn có, không bao giờ cạn kiệt, chi phí thấp.

Các nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên cho thấy, khối lượng rơm rạ lên tới 1,75 tấn khi sản xuất 1 tấn lúa; hay cứ sản xuất 3 tấn ngô, lại tạo ra 1 tấn lõi ngô. Quan trọng hơn, khai thác năng lượng từ nhiên liệu sinh khối không gây nguy cơ mất an toàn như với nhiên liệu hạt nhân hay dầu mỏ. Chính vì vậy, nhiều nước đã có chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh khối.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, chủ nhiệm đề tài dây chuyền sản xuất viên nén sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp cho biết, nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh khối trên thế giới ngày càng tăng. Sau quá trình nghiên cứu tổng quan về công nghệ sấy, nghiền, sàng, ép biomass và các loại máy thực hiện công nghệ này…, nhóm nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất thanh nhiên liệu sinh khối sử dụng nguyên liệu là bã mía và phụ phẩm từ gỗ. Dây chuyền gồm có máy sấy, máy nghiền, máy sàng và máy ép, công suất 2 tấn/giờ.

Các nhà khoa học đã tiến hành chạy thử, kiểm tra thông số kỹ thuật và điều chỉnh; chạy có tải đánh giá chỉ tiêu kỹ thuật của dây chuyền 4 máy. Kết quả dây chuyền vận hành tốt và đem lại kết quả khả quan. Cụ thể, dây chuyền đã giúp tăng nguồn thu cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng lên tới 8 tỷ đồng/năm, thay vì 2 tỷ đồng/năm (nếu bán bã mía thô).

Giải quyết "bài toán" đốt rơm rạ, than tổ ong Hiện tại, sản phẩm viên nén sinh khối đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về giải pháp kỹ thuật dạng sản phẩm và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Ông Đoàn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, đại diện đơn vị đặt hàng cho rằng, đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần giải quyết bài toán xóa bỏ chất đốt than tổ ong độc hại ở các địa phương. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, dây chuyền sản xuất viên nén sinh khối cũng có thể áp dụng để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ và đốt than tổ ong ở Hà Nội.

Nhiều năm trở lại đây, Hà Nội bị ô nhiễm không khí một phần do việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa của nông dân. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên các cánh đồng. Chỉ riêng huyện Đông Anh, mỗi năm phát sinh khoảng 30.000 tấn rơm rạ, trong đó có khoảng 4.500 tấn bị đốt để làm phân bón. Bà Phí Thị Xuyến, tổ dân phố số 17, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Trước đây, rơm rạ được nông dân dùng làm chất đốt. Bây giờ, nhà nào cũng sử dụng bếp gas, bếp điện nên người ta thường đốt bỏ để làm phân bón".

Sử dụng bếp than tổ ong cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường không khí thêm ô nhiễm. Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, mỗi ngày, người dân Thủ đô đốt tới 528 tấn than tổ ong và thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội vẫn sử dụng tới hơn 55.000 bếp than tổ ong.

Theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố, Hà Nội đặt mục tiêu đến ngày 31-12-2020 sẽ thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện với môi trường.

Trên thực tế, từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020, nhưng đến nay, tình trạng đốt rơm rạ vẫn tồn tại. Vì vậy, sản xuất viên nén sinh khối cũng có thể là một giải pháp quan trọng trong việc tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt các loại phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp, đồng thời giải quyết được "bài toán" xóa bỏ việc đốt than tổ ong ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viên nén sinh khối: Góp phần giảm ô nhiễm không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.