Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại hạn mặn lịch sử để ứng phó tốt hơn

Minh Điền| 20/06/2020 18:33

(HNMO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, do dự báo sớm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp, nên các bộ, ngành trung ương và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm tối đa thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử mùa khô 2019-2020 gây ra; rút ra những kinh nghiệm để ứng phó hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra ngày 20-6. Sự kiện do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và 13 tỉnh khu vực ĐBSCL.

Quang cảnh hội nghị.

Hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tới 10/13 tỉnh trong vùng, gây thiệt hại khoảng 41.900ha lúa đông xuân 2019-2020 ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó mất trắng là 26.000ha. Đối với cây ăn trái, có đến 6.650ha bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn; trong đó mất trắng khoảng 355ha. Hàng nghìn hécta rau màu và hơn 8.715ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Mực nước trên các kênh trục xuống thấp trong mùa khô 2019-2020 còn dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún nhiều nơi ở ĐBSCL. 

“Hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020 ở ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong lịch sử”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm gần 3 tháng, thời gian xâm nhập mặn kéo dài; độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, suốt từ tháng 2 đến tháng 5, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.

Nguyên nhân khiến xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt. Mùa khô năm 2019-2020, nguồn nước về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm gần đây. Phạm vi ảnh hưởng với ranh mặn 4g/lít là 1,68 triệu ha, cao hơn 50.376ha so với hạn mặn lịch sử năm 2016.

Kịp thời ứng phó

Nhờ dự báo trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 sẽ diễn biến phức tạp, ngay từ tháng 9-2019, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện các biện pháp ứng phó.

Các bộ, ngành trung ương và chính quyền, người dân vùng ĐBSCL xác định chủ động thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển.

Các bên liên quan đã thi công nhanh các công trình thủy lợi để đưa vào vận hành, giúp kiểm soát mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát mặn hơn 300.000ha. Chính quyền các địa phương và các cá nhân, tổ chức xã hội… đã vận chuyển nước ngọt cấp miễn phí cho khoảng 20.600 hộ, hỗ trợ người dân lắp đặt bồn trữ nước cho 37.300 hộ, hỗ trợ bình nước uống các loại 11.800 hộ, lắp đặt thiết bị lọc nước cấp cho khoảng 4.000 hộ...

Một trong những chủ trương được đánh giá cao trong phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn thời gian qua là việc áp dụng các giải pháp sinh học như đẩy sớm thời vụ lúa đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng hạn khốc liệt. Cụ thể, việc xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh ĐBSCL được triển khai sớm từ 20-30 ngày so với vụ đông xuân trước trên diện tích 1,54 triệu ha, giảm 63.000ha so với vụ trước; năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha so với vụ đông xuân 2018-2019; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn.

Do xuống giống sớm tránh hạn hán và xâm nhập mặn, vụ đông xuân ở ĐBSCL đã thu được nhiều thắng lợi.

Các đại biểu dự hội nghị cùng chung nhận định, tới đây, tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, yếu tố tác động từ thượng nguồn sông Cửu Long và một số yếu tố khác sẽ tiếp tục gây tổn thất đến sản xuất, đời sống dân sinh vùng ĐBSCL. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các bộ, ngành trung ương và của chính quyền, người dân trong khu vực để ứng phó hiệu quả.

“Chỉ có chủ động thích ứng mới biến những thách thức từ hạn hán và xâm nhập mặn thành cơ hội mới. Đó là tìm ra những đối tượng sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực, mà chúng ta còn khai thác được những lợi thế, nâng được giá trị vật nuôi, cây trồng, bảo đảm hiệu quả bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại hạn mặn lịch sử để ứng phó tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.