Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Dương Linh| 22/09/2020 06:16

(HNM) - Nhằm phát huy vai trò của thanh niên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân trong việc chung tay chống rác thải nhựa, đầu tháng 9 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến tới nói không với rác thải nhựa". Mô hình này bước đầu tạo lan tỏa trong cộng đồng.

Đoàn viên, thanh niên quận Tây Hồ phát túi thân thiện với môi trường cho người dân. Ảnh: Lê Dung

Hành động thiết thực

Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, Ban Thường vụ Thành đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” trên toàn thành phố, bước đầu triển khai thí điểm tại chợ Văn La (phường Phú La, quận Hà Đông) và chợ Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Với mong muốn, mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa, Đoàn Thanh niên đã tích cực tuyên truyền, vận động lan tỏa trong cộng đồng, nhằm giảm dần và tiến đến “nói không” với rác thải nhựa dùng một lần.

Theo đó, 3.000 tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa cũng đã được chuyển tới tiểu thương hai chợ Văn La và Phú Gia. 5.000 túi thân thiện với môi trường, 500 cuộn túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy, 100 chiếc làn nhựa cũng đã được tuổi trẻ Thủ đô phát đến người dân khi tới mua hàng tại hai chợ này.

Bí thư Quận đoàn Hà Đông Hoàng Thị Huyền Trang chia sẻ: “Các thanh niên tình nguyện đã đến từng quầy hàng trong chợ Văn La hướng dẫn tiểu thương gói hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; vận động người dân khi đi chợ mang theo làn, hộp đựng dùng nhiều lần, túi tái chế hoặc túi làm từ nguyên liệu dễ phân hủy…”.

Trực tiếp tham gia tuyên truyền mô hình này, tình nguyện viên Đào Vũ Quang Huy (quận Hà Đông) bày tỏ: “Tôi muốn góp một phần sức nhỏ để mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, giúp thành phố thêm xanh, sạch, đẹp, văn minh”.

Đoàn viên, thanh niên quận Hà Đông phát túi thân thiện với môi trường cho người bán hàng tại chợ Văn La. Ảnh: Nguyệt Ánh

Tạo chuyển biến trong nhận thức

Mặc dù mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” mới triển khai một thời gian, song bước đầu đã mang lại kết quả rõ nét. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại hai chợ Văn La và Phú Gia, đặc biệt là người dân quanh khu vực đã giảm dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Các tiểu thương thường xuyên dùng túi giấy đựng hàng khô cho khách; đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì mỗi thứ một túi như trước…

Chị Đặng Thị Thường (kinh doanh tại chợ Văn La) cho biết: “Ngoài hạn chế dùng túi ni lông, tôi thường xuyên thuyết phục khách dùng làn khi đi chợ, hoặc túi thân thiện với môi trường”. Còn bà Nguyễn Thị Phú (phường Phú Thượng) cho hay, ban đầu sử dụng làn nhựa đi chợ cũng thấy lỉnh kỉnh nhưng giờ thành quen. Không những thế, bà Phú còn vận động người thân "nói không" với rác thải nhựa. Chị Nguyễn Thu Hoài, con dâu bà Phú chia sẻ: “Mẹ chồng tôi rất ủng hộ việc sử dụng các sản phẩm thay thế túi ni lông. Bà còn đề nghị con cháu không dùng đồ nhựa sử dụng một lần để có môi trường sống tốt hơn”.

Có thể thấy, mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” bước đầu đạt được thành công khi cả tiểu thương và người dân đã quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm thay thế và phương thức hạn chế đồ nhựa. Tuy nhiên, để tiếp tục nhân rộng và duy trì lâu dài mô hình này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía.

Anh Nguyễn Ngọc Thanh, đoàn viên phường Phú Thượng cho biết “Một số lần khi đi phát tờ rơi, tôi đã rơi vào tình huống người dân không nhận, vì họ không quan tâm. Hoặc là, dù vui vẻ nhận các vật phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhiều chủ quầy hàng ở chợ vẫn nói rằng, mức giá mua túi nilon thông thường và túi nilon sinh học tự hủy có sự chênh lệch cao, trong khi hằng ngày cần rất nhiều túi để sử dụng nên họ vẫn “nhắm mắt bỏ qua”. Do đó, để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và ni lông trong mua, bán hàng của tiểu thương và người dân, các đoàn viên thanh niên chúng tôi phải thực hiện nguyên tắc “mưa dần thấm lâu”, thường xuyên tuyên truyền”. Còn Bí thư Quận đoàn Hà Đông Hoàng Thị Huyền Trang thông tin: “Để duy trì mô hình, chúng tôi sẽ kêu gọi, vận động tài trợ các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần nhằm hỗ trợ cho người dân”.

Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, Ban Thường vụ Thành đoàn sẽ triển khai đồng loạt mô hình "Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa" trên toàn thành phố trong thời gian tới. Trong đó, tuổi trẻ Thủ đô sẽ gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đoàn viên, thanh niên cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm thay thế nhựa, các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa thân thiện với môi trường.

Tin tưởng rằng, với sự tích cực, kiên trì và sáng tạo, đoàn viên, thanh niên Thủ đô sẽ trở thành những "đại sứ xanh", góp phần vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.