Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Phân cấp mạnh hơn để phát triển

NGUYỄN LÊ| 31/05/2021 06:59

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, "đầu tàu" kinh tế cả nước, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung đông dân cư nên cần cơ chế phù hợp để quản lý và phát huy hơn nữa các nguồn lực. Cùng với triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo các quy định hiện hành, thành phố đang đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh hơn nhằm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh cần được phân cấp, phân quyền mạnh hơn để phát huy tính năng động, sáng tạo.

Cần cơ chế đặc biệt hơn

Dù vẫn duy trì vai trò "đầu tàu" kinh tế của cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh đang chững lại. Sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố trong những năm gần đây cũng có xu hướng giảm đi. Trung bình mỗi dự án đầu tư nước ngoài tại thành phố có nguồn vốn chưa tới 1 triệu USD.

Có thể thấy, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh là thiếu hụt nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Thành phố được quy hoạch các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 để khai thông liên kết vùng. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, chưa đường vành đai nào được hoàn thành, chưa đáp ứng được định hướng phát triển đô thị theo mô hình “đa trung tâm”. Do thiếu nguồn lực thực hiện nên thành phố vẫn là đô thị “hướng tâm”, hạ tầng giao thông không bảo đảm, dẫn đến kẹt xe, ngập nước. Một ví dụ khác là khi tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên thiếu vốn từ Trung ương, bị chậm tiến độ, thành phố Hồ Chí Minh muốn ứng tiền ra làm, nhưng cũng không có cơ chế thực hiện.

Mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 700 dự án đầu tư phải thu hồi đất nhưng không ít trong số này chậm tiến độ do vướng mắc từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đơn cử, thành phố đề ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020 phải di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn các quận 4, 7, 8, Bình Thạnh… Mục tiêu này không thực hiện được do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là thành phố không có cơ chế phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã cho thành phố cơ chế riêng biệt nhưng mới chỉ là “bộ khung”. Tương tự, Nghị quyết số 131/ 2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 131/2020/QH14) khi triển khai trên thực tế vẫn phải theo quy định pháp luật hiện hành, chưa thực sự tạo được bước đột phá. Vì vậy, thành phố cần cơ chế hiệu quả hơn, được xây dựng từ sự phân cấp, phân quyền mạnh và rõ ràng hơn.

Tăng quyền chủ động

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thời gian qua, thành phố đã phân cấp, ủy quyền tối đa cho các địa phương theo thẩm quyền của UBND thành phố tại Nghị quyết số 131/2020/QH14. Việc này đã tạo sự chủ động rõ ràng hơn cho cấp dưới trong phạm vi quy định, theo hướng phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, từng cơ quan, đơn vị phải chủ động xây dựng chương trình giao ban định kỳ hằng tháng, hằng quý đối với những vấn đề lớn, quan trọng mà UBND thành phố đã chỉ đạo, nhất là công việc có thời hạn, thời hiệu liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.

Tuy nhiên, thành phố đang rất cần sự phân cấp mạnh mẽ hơn nữa từ Trung ương. Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận xét: Nếu việc gì chính quyền thành phố có thể làm tốt, thì Trung ương nên phân cấp, phân quyền cho thành phố làm; các bộ, ngành chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay. Qua đó, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố.

Tại buổi làm việc mới đây với Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ (ngày 13-5), Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị, Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 93/ 2001/NĐ-CP ngày 12-12-2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh trong quý II-2021. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện một số nội dung trong nghị định trên không còn phù hợp và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thành phố cần tìm ra mô hình phù hợp thực tiễn, mạnh dạn thí điểm. Quan điểm chung là, cái gì thành phố Hồ Chí Minh làm tốt thì để thành phố làm. Cơ chế phân cấp, phân quyền cho thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm rõ nhiệm vụ của từng cấp, cá thể hóa trách nhiệm tập thể, cá nhân, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phân cấp mạnh hơn để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.