Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản

Trọng Ngôn| 21/07/2021 06:26

(HNM) - Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thời điểm, thành phố Hồ Chí Minh thiếu thực phẩm cục bộ, do nguồn cung và việc vận chuyển, phân phối nông sản bị ách tắc. Để giải tỏa áp lực phân phối, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh động nhằm từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Một điểm bán nông sản lưu động ở quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Quỳnh Trần

Khó khăn trong thu mua, vận chuyển

Trong khi thành phố Hồ Chí Minh khan hiếm nông sản tại một số thời điểm thì sản lượng nông sản ở các tỉnh chuyên sản xuất nông sản cung ứng cho thành phố, như: Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang... vẫn dồi dào. Theo ngành Công Thương các địa phương này, nguồn cung nông sản không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc khan hiếm nông sản xảy ra ở một số thời điểm tại thành phố Hồ Chí Minh là do chuỗi cung ứng còn một số hạn chế.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, đã có lúc thành phố xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thông tin thêm, nguồn hàng đang thiếu để cung ứng cho người dân thành phố là 1.000 tấn rau, củ, quả/ngày. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều địa phương cũng áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, nên việc thu mua và vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn.

Trên thực tế, hệ thống phân phối của thành phố Hồ Chí Minh hiện có 106 siêu thị, 3 chợ đầu mối, 124 chợ truyền thống, trên 2.600 siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi, hơn 28.700 cửa hàng bách hóa. Trước đây, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại là nguồn hàng từ 3 chợ đầu mối lớn tiếp nhận từ các địa phương, sau đó chuyển về 124 chợ truyền thống. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chợ đầu mối và chợ truyền thống phải đóng cửa, đã ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nông sản cho người dân. 

Theo các nhà sản xuất, phân phối, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn hàng nông sản tại thành phố Hồ Chí Minh là khâu vận chuyển bị hạn chế. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Trương Tiến Dũng cho biết, các doanh nghiệp thành viên của hội phản ánh việc vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ đang bị ách tắc.

Từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng

Hiện, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang phát huy mạnh mẽ kênh mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn; hơn 2.500 điểm bán các mặt hàng nông sản có hình thức giao hàng trực tuyến. Đối với các nhà phân phối chủ lực, như: Saigon Co.op, Satra, Bách hóa xanh, Saigon Food..., thành phố yêu cầu gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000-150.000 tấn/ tháng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước bối cảnh trong 14 ngày tới (bắt đầu từ ngày 19-7), các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Theo đó, thành phố đang xem xét mở lại các chợ truyền thống với điều kiện phải có phương án giãn cách theo đúng quy định; tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại các khu dân cư…

Về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua việc xây dựng, liên kết với các vùng sản xuất, cung ứng và “phủ sóng” thêm các kênh phân phối, bán lẻ. Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, ngoài các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố sẽ mở rộng vùng cung ứng, thông qua các trạm trung chuyển với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và cả từ miền Trung, miền Bắc.

Đối với mạng lưới phân phối, thành phố tiếp tục mở rộng hệ thống bán hàng trực tiếp thông qua các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong bán hàng thông qua việc hoàn thiện công nghệ, phần mềm và nhân lực để vận hành thông suốt. Đối với nhóm hàng nông sản, hiện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng trang mua bán trực tuyến với hơn 75 nhà cung ứng hàng hóa có giá cả cạnh tranh, chủng loại đa dạng, xuất xứ rõ ràng...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu ngành Công Thương thành phố tổng hợp các mô hình phân phối hàng hóa có nhiều ưu điểm trong phòng, chống dịch để các quận, huyện và thành phố Thủ Đức vận dụng theo đặc thù của mỗi địa phương. Đồng thời, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục huy động nguồn lực trong việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.