Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hà Nội: Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Thanh Hải| 29/07/2021 06:14

(HNM) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã, đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Ứng phó với tình hình này, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực sắp xếp, ổn định hoạt động, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Công nhân Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín) tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất. Ảnh: Đỗ Tâm

Các doanh nghiệp chủ động

Là đơn vị tái chế giấy, với hơn 100 lao động, đóng tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê (huyện Đông Anh), Công ty cổ phần Miza đã chủ động các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo Trợ lý Hội đồng quản trị, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty cổ phần Miza Nguyễn Thị Vân Nga, khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19, công ty đã lên kế hoạch chi tiết nhằm sẵn sàng ứng phó với từng tình huống cụ thể.

“Chúng tôi đã xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) cho 80 lao động. Trong đó, nơi nghỉ đặt tại khu văn phòng. Việc chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ trong 1-2 ngày tới là các thiết bị phục vụ sinh hoạt của công nhân được chuyển về đầy đủ”, bà Nga nói.

Tương tự, phương án “3 tại chỗ” cũng được Công ty TNHH B.Braun Việt Nam (Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai) chuẩn bị khá sớm. Giám đốc Tài chính Công ty TNHH B.Braun Việt Nam Nguyễn Việt Hùng cho biết, với hơn 1.500 công nhân, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, công ty đã đề xuất phương án “3 tại chỗ” và báo cáo UBND huyện Thanh Oai, các cơ quan chức năng. Tương tự, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty cổ phần Dược phẩm Megapharco (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) Ngô Thị Lý thông tin, đơn vị đã hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch, trong đó có phương án “3 tại chỗ”. 

Cùng với việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, các doanh nghiệp kiến nghị thành phố ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động, bởi bên cạnh khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách… trong sản xuất, thì vắc xin cũng là giải pháp quan trọng bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đều chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến thời điểm này, đã có 140 doanh nghiệp xây dựng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” (duy nhất một cung đường đưa công nhân từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất; một điểm là nơi ở tập trung cho người lao động, một điểm là nhà máy sản xuất); 571 cơ sở sản xuất thực hiện khai báo phòng, chống dịch Covid-19 trên hệ thống khai báo trực tuyến do Sở Công Thương cung cấp.

“Các doanh nghiệp đang nỗ lực cùng thành phố thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá.

Phòng ăn của công nhân Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (huyện Đông Anh) được bố trí ngồi giãn cách, có vách ngăn để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Quang

Thành phố tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, giám sát

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, Sở thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch; rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng có nguy cơ cao, cần theo dõi và tổng hợp báo cáo tình hình của các đơn vị. Trước đó, Sở đã xây dựng, cung cấp giải pháp khai báo phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là kênh thông tin, cơ sở dữ liệu cập nhật trực tuyến, tự động tổng hợp theo thời gian thực, giúp doanh nghiệp quản lý lực lượng lao động và hỗ trợ cơ quan quản lý triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch. Cùng với đó, tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như các chỉ đạo về phòng, chống dịch của thành phố được cung cấp nhanh chóng, giúp doanh nghiệp kịp thời triển khai.

Còn theo Phó Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, ngay sau khi có Chỉ thị số 17/CT-UBND, Ban đã yêu cầu các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” gửi UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt; sẵn sàng kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa; lấy nhà máy là nơi cách ly... Ngoài ra, Ban cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn hàng, bảo đảm lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên, nhiên liệu duy trì hoạt động sản xuất…

Bên cạnh việc ban hành chỉ thị, hướng dẫn, thành phố cũng đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, duy trì sản xuất. Tại các cuộc kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19, xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, để bảo đảm sản xuất liên tục.

Mới đây nhất, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Đông Anh ngày 26-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến mong muốn các doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với thành phố, chấp hành nghiêm các quy định mới ban hành nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội: Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.