Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Ngọc Quỳnh| 08/03/2022 06:25

(HNM) - Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân cũng như góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững. Thời gian tới, nông nghiệp Thủ đô và cả nước sẽ tập trung đổi mới liên kết chuỗi cung cấp nông sản, qua đó giải quyết nhiều “bài toán” đặt ra từ thực tế phát triển.

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Huyền Thương

Nhiều doanh nghiệp lớn đã vào cuộc

Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Vĩnh thông tin, tập đoàn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng 8 nhà máy với dây chuyền hiện đại có thể sản xuất gần 1 triệu tấn phân bón mỗi năm. Tập đoàn cũng đã hợp tác với các địa phương như: Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Long An,... xây dựng hàng trăm mô hình liên kết trồng thanh long, dưa hấu, hành tím, bưởi da xanh, chè, cà phê, lúa và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân...

Còn bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho biết, hợp tác xã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn (100% sản phẩm rau đều được dán mã QR) để cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả mỗi ngày.

Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng nhận định, hoạt động của 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn mang lại giá trị gia tăng 15-20% cho sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt, phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ không ổn định...

Hiện cả nước đã hình thành được 1.644 mô hình liên kết chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm (tăng 32 chuỗi so với năm 2020) và đã có sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Co.op, San Hà...). Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện có 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 hợp tác xã đã liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản mà còn thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững trước những biến động của thị trường.

Tập trung xây dựng chuỗi quy mô lớn

Thành công từ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của ngành Nông nghiệp là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế cho thấy các chuỗi liên kết trong chế biến nông sản còn ít, quy mô chưa lớn; đầu tư cho công nghiệp chế biến vẫn thấp nên chưa nâng cao được giá trị nông sản thông qua chuỗi. Mặt khác, một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tìm được “đầu ra” ổn định nên khó mở rộng chuỗi liên kết...

Để mở rộng, phát huy hiệu quả liên kết chuỗi cung ứng nông sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh cho biết: “Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã mở rộng thị trường hướng tới các siêu thị, cửa hàng tiện ích… Đặc biệt, chúng tôi đã tập trung xây dựng thương hiệu để sản phẩm rau an toàn Hòa Bình phát triển ổn định trong mọi tình huống”.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, hình thành các chuỗi liên kết là giải pháp quan trọng để bảo đảm “đầu ra” thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp. Để hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sau đầu tư như: Sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản.

“Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, kết nối thị trường với các tỉnh, thành phố lớn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm; xây dựng tài liệu, tập san quảng bá sản phẩm; đồng thời xây dựng sàn giao dịch điện tử để đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết; các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch để bảo đảm tính bền vững trong liên kết. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… Qua đó, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới liên kết chuỗi trong nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.