Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Lam Giang| 24/07/2022 06:22

(HNM) - Vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đa dạng với nhiều đổi mới, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giữ vững và mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú về vấn đề này.

Quang cảnh Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, tháng 7-2022. Ảnh: Thu Thủy

- Xin ông cho biết, gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại có những điểm mới nào?

- Sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến thương mại có bước chuyển căn bản khi Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh chuyển đổi số. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp dần thích nghi và khai thác lợi thế của hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Từ đầu năm 2022 đến nay, khi hoạt động giao thương sôi động trở lại, hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, thông tin khách hàng, những quy định mới về xuất, nhập khẩu... được cập nhật nhanh và kịp thời hơn, rộng và xa hơn lại tiết kiệm hơn.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng tăng cường phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cùng vào cuộc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi.

- Ông có thể cho biết cụ thể các hoạt động xúc tiến thương mại đã triển khai thời gian qua?

- Điểm nhấn trong 6 tháng đầu năm 2022 là Bộ Công Thương đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động thuộc Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022. Lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài quảng bá thương hiệu quốc gia, các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia thông qua cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây là cầu nối đưa các thương hiệu Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Cục đã phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức 22 phiên tư vấn xuất khẩu trực tuyến; 15 hội nghị giao thương trực tuyến nhằm quảng bá các ngành hàng, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam tới các nhà nhập khẩu trên thế giới; phối hợp với các sở công thương tổ chức 5 hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, với sự tham gia của hàng vạn lượt doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, địa phương thực hiện hàng trăm hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế.

Cùng với hoạt động tư vấn, quảng bá, giới thiệu tiềm năng của các địa phương nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động xúc tiến nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, dây chuyền công nghệ tiên tiến và đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam cũng được đẩy mạnh. Các sàn thương mại điện tử như: Alibaba, Lazada, Shopee... đã đào tạo cho hơn 250 hợp tác xã cách thức bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các kênh phân phối số…

Có thể nhận định, các hoạt động xúc tiến thương mại từ đầu năm 2022 đến nay đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Vậy từ nay tới cuối năm, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ ưu tiên những vấn đề gì, thưa ông?

- Dự kiến, chúng tôi sẽ tổ chức xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8. Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu là các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên các "sân chơi" lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường; tổ chức hoặc tham gia các hội chợ triển lãm lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, chúng tôi triển khai chương trình kết nối nhà cung cấp các khu vực, vùng, miền với các doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài hằng tháng và duy trì hoạt động tư vấn xuất, nhập khẩu…

- Ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới?

- Chúng tôi mong các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hơn nữa trong việc phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại theo đúng kế hoạch. Đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, xuất, nhập khẩu phù hợp với các chiến lược phát triển thị trường trong nước, chiến lược xuất, nhập khẩu, kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu từng khu vực...

Đồng thời, đề nghị hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Xúc tiến thương mại để hỗ trợ các hiệp hội, địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương, giới thiệu các cơ hội xúc tiến thương mại, các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế uy tín, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, phối hợp với Cục thực hiện chương trình giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài; tổ chức chuỗi các chương trình tư vấn, quảng bá thương hiệu quốc gia, thương hiệu thực phẩm tại thị trường nước ngoài.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.