Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Hồng Sơn| 31/01/2023 06:09

(HNM) - Năm 2022 đi qua với dấu ấn về kết quả kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) thành công của nền kinh tế, với mức lạm phát bình quân chỉ tăng 3,15%. Đó là điều kiện quan trọng để bảo đảm ổn định vĩ mô, an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người dân một cách thiết thực. Dự báo, năm 2023 sẽ có những thay đổi, với các diễn biến không thuận, đòi hỏi sự quan tâm, điều hành hiệu quả, tập trung kiểm soát lạm phát càng sớm càng tốt, ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm.

Người dân mua xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhận diện tình hình

Không phải ngẫu nhiên mà mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023 của Quốc hội là khoảng 4,5%, tức cao hơn mục tiêu lạm phát của những năm trước. Đây là vấn đề mới, đặt ra yêu cầu nhận diện tình hình, dự báo đúng, cùng giải pháp hữu hiệu ngay từ đầu năm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, lạm phát năm 2023 có nhiều nét đáng quan tâm vì giá hàng hóa và dịch vụ sẽ chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Trước hết là áp lực lạm phát do cầu kéo khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế cho năm 2022 và 2023 nhưng chưa thực hiện được nhiều trong năm 2022. Từ đó, một nguồn lực lớn của chương trình này sẽ phải thực hiện trong năm 2023 khiến tổng cầu tăng mạnh. Trong khi đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục triệt để và nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, lại phụ thuộc khá lớn vào diễn biến, tình hình thị trường bên ngoài.

Bên cạnh đó là áp lực lạm phát chi phí đẩy khi giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới đang ở mức cao, nhưng Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất. Thực tế này làm tăng giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, USD tăng giá làm tăng chi phí khi nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước, dẫn đến giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng. Tóm lại, đó là những yếu tố không mong muốn, góp phần gia tăng lạm phát.

Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo giá xăng, dầu có nhiều khả năng tăng trong thời gian tới. Vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số đối tác đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày, nhằm đẩy giá dầu trên thị trường từ mức 80-90 USD/thùng hiện nay lên khoảng 100 USD/thùng.

Giá điện trong nước đã được kìm giữ trong mấy năm qua trong khi giá than, giá khí dùng trong sản xuất điện tăng cao cũng như cơ cấu nhiệt điện, điện khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện phát ra. Khi giá điện tăng sẽ tạo áp lực lên lạm phát năm 2023 do gia tăng chi phí sản xuất và chi tiêu dùng cuối cùng tăng.

Người dân mua thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Trọng Hiếu

Xác định giải pháp

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, Chính phủ nên nghiên cứu khả năng bổ sung hay ít nhất là duy trì, kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2023. Đó là tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giảm mức thu các khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2023; kiên trì chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Các quyết sách đúng sẽ làm chậm lại tốc độ tăng CPI cũng như có thể phát huy tác dụng trên diện rộng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, lạm phát ở mức nào còn phụ thuộc vào sức mua của xã hội. Thực tế, sức mua còn khá hạn chế chủ yếu do thu nhập của một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng, thậm chí giảm sút trong thời gian qua. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nhưng hoạt động mua sắm không sôi động tương ứng; hàng hóa rất nhiều, đa dạng và giá phải chăng nhưng khá nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng ế ẩm. Đây là thực tế có lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng không tích cực với nền kinh tế bởi nó cho thấy sự trầm lắng, năng lực chi trả hạn chế của người tiêu dùng.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo, thường xuyên cập nhật tình hình cũng như xác định những phương án, kịch bản để chủ động kiểm soát lạm phát. Cần thường xuyên nắm thông tin, diễn biến thị trường, phối hợp nhanh và đồng bộ. Trong đó, thường xuyên theo dõi, quản lý tốt thị trường, bảo đảm thông suốt quan hệ cung - cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; đặc biệt tránh tình trạng khan hàng giả tạo và tăng giá cục bộ. Ngoài ra, cần làm tốt việc quản lý xăng, dầu, hết sức tránh việc cung không đủ cầu, manh nha đóng cửa một số cửa hàng xăng, dầu tại các địa phương phía Nam.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho hay, năm 2023, Bộ sẽ tập trung vào kế hoạch, giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; chủ động mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng, dầu để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào giá xăng, dầu thế giới, góp phần hạn chế đà tăng CPI. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ Tài chính cũng theo dõi sát diễn biến thị trường, thông tin tình hình giá cả và đôn đốc các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Về phía mình, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cũng khuyến nghị, Chính phủ rà soát, bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu cho sản xuất đang có xu hướng tăng. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trước thực tiễn và dự báo trên, việc Quốc hội thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% là hợp lý. Vấn đề đặt ra là có sự điều hành tỉnh táo, phù hợp thông qua giải pháp linh hoạt để bảo đảm kiểm soát lạm phát trong mức cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.