Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Gỡ vướng" cho nhà máy điện rác

An Tôn| 12/04/2023 06:17

(HNM) - Từ năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh đã liên tiếp khởi công xây dựng 3 nhà máy đốt rác phát điện (nhà máy điện rác). Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 4-2023, chưa nhà máy nào được xây dựng theo kế hoạch dự kiến. Để giải quyết điều này, thành phố và các bộ, ngành trung ương đang phối hợp “gỡ vướng” cho các dự án quan trọng này.

Dự án nhà máy điện rác tại huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần Vietstar.

Những dự án dang dở

Năm 2019, Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công 2 nhà máy điện rác với công suất 2.000 tấn rác/ngày. Đây là 2 dự án đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với đó, 2 doanh nghiệp khác cũng triển khai xây dựng các dự án nhà máy điện rác, gồm Công ty cổ phần Tasco (500 tấn/ngày) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày).

Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh đã có đến 4 dự án về điện rác với tổng lượng rác dự kiến được đốt phát điện là khoảng 7.500 tấn/ngày trên tổng số khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom mỗi ngày ở thành phố vào thời điểm hiện tại (dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, tính đến tháng 4-2023, chưa dự án nào được hoàn thành.

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đã phát sinh nhiều vấn đề khi các doanh nghiệp chuẩn bị và triển khai các dự án điện rác. Cụ thể, với 2 dự án đã khởi công, chủ đầu tư đang triển khai chậm vì chưa có cơ sở pháp lý chuyển đổi công nghệ và tăng lượng rác xử lý; nguồn phát điện chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn. Nếu thuận lợi, phải đến cuối năm 2024, các nhà máy này mới có thể vận hành, phát điện. Hai dự án còn lại vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đầu tư dự án.

Với tiến độ này, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ càng ngày càng khó khăn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2024, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố sẽ vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý hiện tại và số rác dư lên đến 9.000 tấn vào năm 2025, do bãi rác Đa Phước đã hết khả năng chôn lấp. Đó là chưa kể các loại rác, chất thải rắn khác tại thành phố.

Nếu không có nhà máy điện rác, thành phố Hồ Chí Minh khó đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, tương đương 10.000 tấn rác/ngày (hướng tới 100% vào năm 2030).

Tháo điểm nghẽn

Đầu tiên là điểm nghẽn pháp lý, liên quan đến Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh được đấu thầu trên cơ sở hợp đồng đã ký kết để lựa chọn cơ sở đốt rác phát điện, sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Cụ thể, Công ty cổ phần Vietstar (huyện Củ Chi) ký hợp đồng xử lý 1.200 tấn rác/ngày. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (huyện Củ Chi) ký hợp đồng 1.000 tấn rác/ngày. Nay, nếu yêu cầu các công ty này tăng lượng tiếp nhận lên 2.000 tấn/ngày và chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện, thành phố chưa có căn cứ thực hiện và chi ngân sách thường xuyên. Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam cũng chưa có căn cứ pháp lý để xây dựng nhà máy điện rác (trước mắt xử lý 3.000 tấn/ngày theo hợp đồng và sẽ nâng công suất theo lộ trình với lượng rác tiếp nhận thực tế).

Để gỡ điểm vướng này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng thông tin, thành phố đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố đặt hàng bổ sung các doanh nghiệp trên tăng lượng rác tiếp nhận mỗi ngày để xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện.

Thứ hai là thành phố đề xuất được kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT). Tuy nhiên, loại hợp đồng BLT này chưa được các bộ ngành hướng dẫn triển khai thực hiện. Nếu được áp dụng, thành phố có thể kêu gọi thêm một nhà đầu tư khác xây dựng nhà máy điện rác công suất 2.000 tấn/ngày.

Trên thực tế, suất đầu tư 1 nhà máy điện rác công suất 2.000 tấn/ngày là hơn 4.000 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được Công ty cổ phần Vietstar hơn 3,4 nghìn tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa là gần 5.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện rác. Nay có thêm cơ chế, việc thu hút đầu tư điện rác là khả thi.

“Các giải pháp này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý công nghệ tiên tiến, hiện đại, giúp cho thành phố bảo đảm an ninh rác thải, hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Gỡ vướng" cho nhà máy điện rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.