Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ truyền hình trả tiền: Có cần giá sàn?

Việt Nga| 30/05/2014 06:17

(HNM) - Từ cuối năm 2013, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VN PayTV) và Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo về việc xây dựng giá sàn cho lĩnh vực truyền hình trả tiền để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp.

Kiến nghị ban hành giá sàn

Tại hội thảo tổ chức vào cuối năm 2013, VN PayTV đã kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh xem xét đề xuất xây dựng giá sàn cho dịch vụ THTT của hiệp hội. Lý do là cạnh tranh trong lĩnh vực THTT có đặc thù khác với viễn thông, đó là viễn thông, càng đông người sử dụng thì giá cước giảm, nhưng THTT do phải dành chi phí đầu tư cho nội dung bằng mua bản quyền (đầu tư cho chất xám) nên chi phí ngày càng tăng. Trong khi đó, thị trường THTT ngày càng có nhiều DN viễn thông tham gia (Viettel, FPT đã được cấp phép, VNPT đang chờ cấp phép), với các lợi thế về hạ tầng cáp quang rộng khắp cộng với tiềm lực mạnh về tài chính nên có thể sử dụng chiêu "bù chéo". Chẳng hạn, lấy "lãi" viễn thông để kinh doanh khi đưa ra các gói dịch vụ có giá cước thấp, thậm chí chỉ bằng 0 đồng, khiến các DN kinh doanh THTT thuộc chính các nhà đài bị thiệt hại nặng. Một số thành viên lớn của VN PayTV còn lo lắng dù họ đang dẫn đầu về thị phần thuê bao cũng khó mà "chống đỡ" nổi nếu các DN viễn thông kinh doanh kiểu như vậy và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm vào cuộc cùng với các DN kinh doanh lĩnh vực này xây dựng khung giá quy định để các thành viên không bán dưới giá sàn.

Các nhà đài hiện cũng đầu tư mạnh để các chương trình có nội dung đặc sắc, thu hút người xem.


Dù không nhắc tên cụ thể song có thể thấy, các DN kinh doanh THTT lo ngại trước "đối thủ" Viettel có tiềm lực tài chính mạnh, có hạ tầng cáp quang lớn khoảng 200.000km và lại có kinh nghiệm cạnh tranh thị trường viễn thông. Đầu năm 2012, đại diện hiệp hội và các nhà đài lớn đã gửi kiến nghị đến các cấp đề nghị không cấp phép cho Viettel tham gia thị trường này. Trong các cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các DN thuộc VTC, Công ty VASC cũng kiến nghị Bộ cần ban hành mức giá sàn cho loại hình dịch vụ này.

Trao đổi với báo chí, hồi tháng 3-2014, lãnh đạo hiệp hội cũng cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hiệp hội là phối hợp xây dựng giá sàn dịch vụ để Nhà nước quản lý giá. Bên cạnh việc đề xuất mức giá sàn, VN PayTV cũng kiến nghị Nhà nước ban hành giới hạn về mức giảm giá và thời gian khuyến mãi trong lĩnh vực này.

Lo ngại "cuộc chiến" về giá

Như vậy đã rõ, VN PayTV và các DN THTT trực thuộc đều mong muốn xây dựng giá sàn để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, trước áp lực của DN viễn thông mà cụ thể là Viettel sẽ tham gia trong năm nay. Song ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng sở dĩ các nhà đài đề nghị ban hành giá sàn là lo ngại xảy ra "cuộc chiến" về giá (từ đầu năm đến nay các DN cung cấp truyền hình cáp lớn SCTV, VTV Cab, K+ liên tiếp giảm giá cước thông qua việc khuyến mãi lắp đặt, tặng đầu thu).

Một chuyên gia từng phân tích, bên cạnh các nhiệm vụ chính trị xã hội thì mục tiêu về doanh thu quảng cáo chính là điều mà các nhà đài hướng tới và coi đó là nguồn thu chứ không phải hướng tới thu tiền thuê bao của khách hàng và đó mới là nguồn thu đáng kể. Mặt khác, với THTT việc phải "chi" ra để mua bản quyền thì đều là các chương trình: độc, hấp dẫn… khiến khách hàng không thể bỏ qua, sẵn sàng rút "hầu bao" để được sử dụng dịch vụ. Ví dụ, khách hàng từng bỏ tiền mua đầu thu giá không rẻ để xem trận đấu ngày chủ nhật giải ngoại hạng Anh của K+, một số chương trình truyền hình thực tế của VTV3… Từ đó cho thấy, khi có được bản quyền các chương trình hấp dẫn, nhà đài sẽ thu hút đông đảo khách hàng, đương nhiên thu hút nhiều hợp đồng quảng cáo, tăng doanh thu.

Bên cạnh yếu tố chi phí mua bản quyền, các nhà đài cũng đầu tư mạnh để tự sản xuất các chương trình có nội dung đặc sắc, riêng biệt thu hút người xem. Dẫn lời một lãnh đạo của một DN kinh doanh THTT lớn hiện nay cho rằng, khán giả rất tinh trong việc lựa chọn chương trình họ yêu thích, cho nên các nhà đài nên dành quan tâm cho việc bảo đảm chất lượng dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ truyền hình trả tiền: Có cần giá sàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.