Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vựa phật thủ đất Bắc

Phúc Bản| 08/02/2017 06:57

(HNM) - Người dân xã Đắc Sở và Yên Sở (Hoài Đức) mang cây phật thủ từ vùng núi phía Bắc về trồng cách đây khoảng 20 năm. Bằng sức lao động, tìm tòi, học hỏi và không ngừng nâng cao kỹ thuật canh tác mà nơi đây được tôn vinh là vựa phật thủ đất Bắc, giúp nông dân làm giàu.


Mô hình trồng phật thủ tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt


Hiện tại, toàn xã Đắc Sở có gần 500 hộ trồng cây phật thủ, hộ trồng ít nhất 1 sào, hộ nhiều nhất tới 50 sào, năng suất trung bình đạt từ 30.000 đến 35.000 quả/ha/năm, cho thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Tương tự, tại xã Yên Sở có 120ha phật thủ được trồng ở vùng đất bãi, cho thu nhập từ 700 đến 800 triệu đồng/ha.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan cho biết: Hai năm trở lại đây, trồng cây phật thủ gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường nên tỷ lệ quả to, đẹp giảm mạnh. Bằng kinh nghiệm trồng phật thủ của nông dân Đắc Sở, Yên Sở, ông Hoan khẳng định khó nơi nào có thể trồng phật thủ với quy mô lớn, mẫu mã đẹp như ở đây. Với tâm lý thích tay lẻ của người tiêu dùng, ngay từ khi mới đậu quả, nông dân có thể cho phật thủ ra tay lẻ theo ý muốn. Tuy nhiên, giá cả thị trường cũng có những diễn biến khó lường khiến các hộ dân trồng phật thủ cũng đứng trước không ít rủi ro. Tết Nguyên đán năm 2016, giá phật thủ đầu vụ khá cao, nhiều vườn ôm hàng thì giáp Tết giá lại xuống mạnh. Trong khi nửa tháng trước Tết Nguyên đán năm 2017, thị trường khá trầm lắng thì áp Tết giá phật thủ lại tăng mạnh.

Ông Tạ Xuân Đáng, một trong những lão nông đi đầu trồng cây phật thủ trên đất Yên Sở cho biết: Thực tế, cây phật thủ cho thu hoạch quanh năm, nhưng chủ yếu là 2 vụ chính gồm vụ hè và vụ đông. Quả phật thủ khi nhỏ có màu xanh đậm, quả trưởng thành có màu vàng chanh. Hoa quả ra vào mùa xuân là chính vụ và quả chín vào cuối mùa hè. Quả ra đúng vụ xuân thường có ngón tay dài, to và thưa hơn so với những quả ra nghịch mùa. Người trồng phật thủ thắng hay thua đều ăn nhau ở vụ phật thủ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Dù không còn “hốt bạc” thu nhập tới 2 tỷ đồng/ha như vài năm trước đây nhưng đây vẫn là loại cây trồng đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng trên địa bàn như cam Canh, bưởi Diễn, ổi, đu đủ… Tuy vậy, hiện cung - cầu đã tương đối ổn định, do đó việc mở rộng diện tích cây phật thủ mới vẫn là bài toán cần cân nhắc kỹ. Ông Đáng kiến nghị, cần sớm có quy hoạch cũng như định hướng diện tích chuẩn cho vựa phật thủ Hoài Đức, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn tới giá giảm mạnh.

Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng UBND huyện Hoài Đức đã có nhiều hỗ trợ giúp nông dân ở đây xây dựng thương hiệu phật thủ. Đến nay, địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể phật thủ Đắc Sở năm 2016. Theo đó, Hội Sản xuất và Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở được sử dụng tên và địa danh “Đắc Sở” kèm theo bản đồ khu vực địa lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Phật thủ Đắc Sở”. Đây là niềm tự hào của nhân dân xã Đắc Sở và Yên Sở nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung, bởi phật thủ là loại hoa quả không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vựa phật thủ đất Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.