Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục tập hợp, đoàn kết nông dân phát triển vững mạnh

Sơn Tùng| 14/10/2017 07:22

(HNM) - Thời gian qua, Hội Nông dân Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ nông dân vượt khó, làm giàu, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần…


Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố thăm mô hình trồng hoa lan tại huyện Đan Phượng.


- Thưa ông, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã tập trung vào những hoạt động nào để hỗ trợ nông dân?

- Nâng cao đời sống nông dân trên tất cả các mặt là mục tiêu xuyên suốt trong các phong trào của Hội Nông dân Hà Nội. Hội đã phát động nhiều phong trào như: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; Nông dân giúp nhau vượt khó làm giàu…, đồng thời tích cực hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật; tập huấn kiến thức về thị trường, xây dựng thương hiệu, tổ chức liên kết…

Thông qua kênh hỗ trợ trực tiếp từ Hội Nông dân thành phố đạt hơn 3.000 tỷ đồng (vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp); Hội đã tổ chức 32 lớp tuyên truyền, bồi dưỡng thông tin kinh tế, thị trường, kỹ năng phát triển mô hình kinh tế tập thể cho 3.512 lượt cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên nông dân; duy trì 524 mô hình kinh tế tập thể với hơn 7.000 hộ dân tham gia… Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ nông dân xây dựng 1.150 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP... đạt hiệu quả kinh tế khả quan.

- Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hà Nội đang hoạt động hiệu quả, ông có thể chia sẻ điều gì về quỹ này?

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. 9 tháng qua, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp của thành phố đã tăng 21 tỷ đồng, đưa tổng nguồn Quỹ cấp thành phố đang quản lý đạt gần 537 tỷ đồng cho 1.170 dự án vay vốn với 33.171 hộ hội viên nông dân vay để phát triển sản xuất. Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân có nhiều chuyển biến tích cực, cho vay theo mô hình kinh tế tập thể, vay theo nhóm ngành nghề gắn với các sản phẩm chủ lực như: Mô hình trồng hoa - cây cảnh, chăn nuôi (lợn thịt, bò sữa, gà đồi)... Hội Nông dân các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng các mô hình điểm vay vốn. Với cách làm này, tránh được tình trạng vay nhỏ lẻ, nông dân tiếp cận đồng vốn nhanh chóng, thuận lợi hơn.

- Một trong những phong trào lớn của Hội là nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Vậy, cái được lớn nhất từ phong trào này là gì, thưa ông?

- Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nông dân đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào chăn nuôi công nghệ cao, qua đó xuất hiện tỷ phú nông dân ngày càng nhiều. Mỗi năm, Hà Nội có gần 300.000 hộ dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Họ có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động, dũng cảm và nghĩa tình, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho gia đình, cộng đồng…

- Từ thành công của các nông dân xuất sắc, theo ông, điều gì được đúc rút thành kinh nghiệm?

- Cái cần nhất để hỗ trợ nông dân lúc này chính là vốn và kiến thức thị trường. Vấn đề thiếu vốn vẫn đang là yếu tố cản trở lớn nhất đối với nông dân khi thực hiện sản xuất, kinh doanh ở quy mô lớn như: Tham gia chuỗi, ứng dụng công nghệ cao... Hơn nữa, nhất thiết phải có kiến thức về thị trường, bởi đây là yếu tố sống còn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Bên cạnh những mặt tích cực, khó khăn lớn nhất đối với nông dân Hà Nội hiện nay là gì?

- Thực tế, các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được Nhà nước ban hành với nhiều ưu đãi, nhưng để hỗ trợ thiết thực cho nông dân thì vẫn còn bất cập… Điển hình như chính sách cho vay vốn phát triển nông nghiệp. Trong khi các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ người dân mua nhà, mua đất, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể vay vốn tới 80% giá trị của sản phẩm, thì nông dân sản xuất, kinh doanh cần vay 40-50% giá trị của dự án không dễ dàng do vấn đề định giá tài sản, tài sản gắn trên đất, khả năng tiêu thụ sản phẩm…

- Vậy theo ông, cần những giải pháp căn cơ nào để nâng cao đời sống nông dân trên mọi mặt?


- Theo tôi, cần tập trung vào nhóm giải pháp xây dựng mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Muốn vậy phải có nhiều mô hình liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; vừa nâng cao năng suất, sản lượng, vừa tìm được “đầu ra” bền vững cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn; đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả về an ninh, chính trị, xã hội. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo, quản lý tốt vật tư nông nghiệp, gắn với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ hỗ trợ như: Nông dân, hợp tác xã, khuyến nông… cần được bổ sung và nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Thời gian tới, Hội sẽ có những hoạt động cụ thể nào để giúp nâng cao đời sống nông dân, thưa ông?

- Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, khích lệ những nông dân giỏi, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng cùng phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng... Hoạt động chủ đạo của Hội sẽ là lợi ích chính đáng của hội viên và cùng nông dân tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tế, tiếp tục thực hiện tốt vai trò tập hợp đoàn kết nông dân đủ mạnh trong khối liên minh vững chắc “công, nông, trí” nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tập hợp, đoàn kết nông dân phát triển vững mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.