Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhất trí phương án cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương

Hiền Thu| 14/03/2018 07:00

(HNM) - Ngày 13-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn có nội dung khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).


Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Điểm d, Điều 8 và Điểm g, Điều 28, đều ghi “các hành vi khác”, Điểm 6, Điều 47 ghi “các hình thức cạnh tranh không lành mạnh bị cấm khác”, vậy “hành vi khác” là hành vi nào? Theo Chủ tịch Quốc hội, luật ghi không rõ ràng thì không bảo đảm tinh thần của Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp. Một số đại biểu khác băn khoăn về nội dung xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, thời hạn khiếu nại... và cho rằng nếu cần thiết thì nên sửa luật liên quan.

Phát biểu kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc mở rộng điều chỉnh đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Về trách nhiệm quản lý, nhất trí theo hướng cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, định danh rõ là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan: Cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay).

Các thành viên cụ thể của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ được rà soát và bàn thêm nhưng không tăng đầu mối và biên chế. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần rà soát lại tất cả hành vi dẫn đến độc quyền và cần có quy định để xử lý những hành vi này. Về một số điều cấm, cần quy định cụ thể, không ghi là “hành vi khác”. Về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh, nếu cần thiết kéo dài thành 3 năm (thay vì 2 năm) thì phải giải trình rõ, vì nếu điều tra kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị giao Ủy ban Kinh tế cùng cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và tiếp thu hợp lý các ý kiến. Trên tinh thần đó, hoàn chỉnh lại toàn bộ dự thảo luật cùng báo cáo dự thảo tiếp thu, giải trình, gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội và báo cáo bằng văn bản với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhất trí phương án cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.