Theo dõi Báo Hànộimới trên

GDP quý I tăng cao nhất 10 năm: Chưa nên vội mừng

Hương Thủy| 03/04/2018 12:54

(HNMO) - Tuần qua, Tổng cục Thống kê công bố, quý I-2018, GDP tăng 7,38%. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, chưa nên vội mừng với kết quả này.


Những yếu tố giúp GDP tăng mạnh


Theo Tổng cục Thống kê, GDP tăng trưởng ở mức trên khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018. Ngoài ra, GDP quý I tăng như vậy nhờ tiếp đà tăng trưởng của quý III và quý IV-2017.


GDP quý I-2018 tăng 7,38%, cao nhất của quý I trong 10 năm qua. Ảnh: Internet


Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng trên là từ khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 9,70% (tới 3,39 điểm phần trăm); trong đó điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm).

Ngành khai khoáng quý I năm nay đã đạt mức tăng trưởng dương, với 0,4% sau hai năm liên tục giảm, đóng góp 0,03 điểm phần trăm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là khu vực dịch vụ, tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng mạnh (4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm).

Trước sự tăng trưởng cao của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng, số liệu thống kê có 3 loại con số: số liệu ước đạt, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức. Con số GDP quý I-2018 do Tổng cục Thống kê công bố là con số ước đạt bởi thời điểm công bố chưa hết quý.

Thông thường, quý I GDP tăng thấp nhất bởi Tết Nguyên đán rơi vào quý này. Tuy nhiên, năm nay, quý I GDP lại tăng tới 7,38%, cao nhất 10 năm qua. “Nếu đúng như vậy thì GDP cả năm 2018 có thể đạt mục tiêu, bởi quý sau thường cao hơn quý trước. Năm 2017, GDP quý I tăng 5,1% nhưng cả năm vẫn đạt 6,8%. Kết quả tăng trưởng của quý I-2018 là tín hiệu rất đáng mừng”, chuyên gia này đánh giá.

“Tuy nhiên, đó là về số lượng, còn chất lượng tăng trưởng như thế nào mới là điều quan trọng. Tăng trưởng cao phải đi đôi với doanh nghiệp hoạt động tốt, lợi nhuận tăng lên, tạo ra nhiều việc làm hơn, môi trường sống được cải thiện…”, TS. Ngô Trí Long nhìn nhận.

Chưa nên vội mừng

“Chúng ta chưa nên quá phấn khởi hay lạc quan với con số này”, ông Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Long, tăng trưởng cao dễ dẫn đến lạm phát cao. Trong hai tháng đầu năm, CPI tháng 1 tăng thấp (0,51%) so với tháng trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước; CPI tháng 2 tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 2,9%. Diễn biến trên là đúng quy luật vì Tết rơi vào tháng 2 nhưng CPI 2 tháng ở mức trên là cao. Mặc dù CPI tháng 3 giảm nhưng việc kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là không hề dễ dàng.

Cùng quan điểm với chuyên gia này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, kinh tế tăng trưởng hơn 7% chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như doanh nghiệp ăn nên làm ra, công ăn việc làm của người lao động tốt hơn, lương cao hơn, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục của toàn xã hội tốt hơn, môi trường sống được cải thiện.

Chuyên gia này cũng băn khoăn về con số tăng trưởng kinh tế. “Kết quả trên là khá ngạc nhiên vì theo chu kỳ, nền kinh tế hoạt động mạnh từ giữa năm chứ không phải từ ngay quý đầu. GDP quý I tăng 7,38% mới là con số được ước và được công bố khi chưa kết thúc quý, cần công bố con số chính xác tính đến cuối quý”, ông bày tỏ quan điểm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, GDP tăng hơn 7% là tín hiệu mừng nhưng cũng cần có thông tin chi tiết hơn về mức tăng trưởng này. Đặc biệt, đóng góp của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là bao nhiêu trong tăng trưởng hơn 7%. Xuất khẩu Việt Nam dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI. Nếu tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI, con số tăng trưởng cao lên nhưng không có lợi nhiều cho quốc gia, bởi nhiều doanh nghiệp FDI xem Việt Nam như trạm trung chuyển, họ nhập hàng hóa, dùng lao động rẻ trong nước gia công rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần có thông tin chi tiết hơn về lĩnh vực có tăng trưởng, tăng trưởng ở lĩnh vực xuất nhập khẩu là bao nhiêu, sản xuất kinh doanh nội địa là bao nhiêu...,  từ đó mới đánh giá chính xác được sự tăng trưởng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. Chẳng hạn, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn khi Mỹ thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch; EU rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam; năng suất lao động của Việt Nam thấp; nền kinh tế còn dựa vào khai thác khoáng sản như dầu, than; ý thức tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp và người dân chưa cao...

“Đó là những trở ngại cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm giải quyết những khó khăn đó để vượt qua, chứ không chỉ nhìn tăng trưởng ở con số”, chuyên gia này nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GDP quý I tăng cao nhất 10 năm: Chưa nên vội mừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.