Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” việc thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước

Hương Ly - Thanh Hải| 29/05/2018 06:49

(HNM) - Hôm qua 28-5, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Phiên thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu Quốc hội nhằm siết chặt quản lý nguồn vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là chống thất thoát, lãng phí khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Lo ngại tình trạng thất thoát tài sản nhà nước

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, tính đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân cả giai đoạn 2011-2016 của các doanh nghiệp đạt 13%; tổng lợi nhuận trước thuế tăng 4,3 lần so với năm 2011... Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tham nhũng, làm thất thoát tài sản như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản...

Chỉ rõ những "lỗ hổng" trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đã nêu ba dạng làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là: Kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ, mất vốn; Mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; Định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa. "Một điều kỳ lạ là thất thoát, lỗ của doanh nghiệp nhà nước ai cũng biết. Nhưng cả bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thì lại không phát hiện ra. Rõ ràng, phải xem xét “lỗ hổng” trong việc quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của doanh nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Trong khi đó, nêu ý kiến về các dự án đầu tư thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho biết: “Tôi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cử tri rất bức xúc. 50ha bờ xôi ruộng mật đã di dời để làm nhà máy Ethanol Phú Thọ. Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng dừng triển khai 5-6 năm nay, nhà xưởng, thiết bị máy móc để đắp chiếu, rất xót xa”.

Băn khoăn với việc xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu chính xác, quản lý đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thiếu sót, đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh) lập luận: Việc quản lý đất đai khi cổ phần hóa còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, tham nhũng. “Nhiều cổ đông mua cổ phiếu doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa nên không thể loại trừ động cơ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những “mảnh đất vàng” của các doanh nghiệp cổ phần hóa”, đại biểu Trần Văn Minh nói.

Giải trình về vấn đề thất thoát đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, khi cổ phần hóa, nguồn lực đất đai chưa có quy định quản lý và đánh giá giá trị, khiến đất đai chưa được đưa vào để xác định giá trị của doanh nghiệp. Sự thiếu công khai, minh bạch cũng khiến quá trình này bị lợi dụng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Về các dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh những lý do khách quan, đội ngũ quản trị doanh nghiệp còn có tâm lý né trách nhiệm, ỷ lại, đẩy trách nhiệm lên cho các cơ quan quản lý nhà nước... dẫn đến tình trạng mất vốn, lãng phí, hiệu quả của dự án không cao.

Băn khoăn dự án “đầu chuột, đuôi voi”

Nêu hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” trong quản lý kinh phí đầu tư các dự án, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu ví dụ: “Vừa qua, cử tri giật mình về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) với phê duyệt ban đầu là 72 tỷ đồng, sau đó đội dần lên đến gần 2.600 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là “con chuột nhắt”, sau là “con voi”. Như vậy, Chính phủ lấy kinh phí ở đâu để bù vào?”.

Dưới một góc nhìn khác, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), không nên thực hiện cổ phần hóa tràn lan và bằng mọi giá, bởi nếu không cẩn thận chúng ta lại bán doanh nghiệp tốt, mua và đầu tư vào các doanh nghiệp không hiệu quả. “Mục đích cổ phần hóa là tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước và huy động thêm vốn xã hội, tạo thêm động lực quản lý doanh nghiệp hiệu quả, đó mới là điều quan trọng nhất”, đại biểu Bùi Văn Xuyền phân tích.

Ở góc độ quản lý tài chính nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bổ sung thêm một nguyên nhân là các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua nhiều lúc, nhiều nơi còn hạn chế hiệu quả và xảy ra sai phạm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trên 344.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân và chuyển sang cơ quan điều tra 16 vụ, 17 đối tượng; đã khởi tố 7 vụ với 24 đối tượng...

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 27 đại biểu Quốc hội phát biểu, 10 đại biểu tham gia tranh luận tại hội trường. Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được ghi nhận, qua đó hoàn thiện việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” việc thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.