Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Công Thương: Tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5 RON92

Theo ĐỨC DUY (VIETNAM+)| 26/07/2018 16:01

Từ 1-1-2018 trên thị trường chỉ có hai mặt hàng chính là xăng sinh học E5 RON92 và xăng RON95. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, lượng tiêu thụ E5 trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Để làm rõ hơn, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên liên quan đến việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)


- Xin ông cho biết những đánh giá của Bộ Công Thương về tình hình tiêu thụ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường 6 tháng đầu năm 2018, đặc biệt là việc tiêu thụ mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92?

Ông Nguyễn Lộc An: Theo thông báo số 255/TB-VPCP ngày 6-6-2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON92 và xăng RON95.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%; xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018 lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017 (năm 2017 xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại).

Một số doanh nghiệp đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 RON92 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm của công ty như: Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đạt khoảng 62,53%; Tổng công ty Dầu Việt Nam đạt khoảng 50,15%; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt khoảng 47,70%; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh đạt khoảng 42,62%.

Mức tăng trưởng tiêu thụ xăng E5 RON92 trong 6 tháng đầu năm 2018 khi triển khai kinh doanh đại trà trên toàn quốc như nêu trên cho thấy tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5 RON92.

- Công tác đảm bảo nguồn cung nguyên, nhiên liệu ethanol (E100) để phối trộn xăng E5 RON92 ra sao? Kế hoạch trở lại hoạt động của các Nhà máy nhiên liệu sinh học trong nước đến nay như thế nào? Chất lượng E100, E5 RON92 được đảm bảo như thế nào?

Ông Nguyễn Lộc An: Tại thị trường trong nước, hiện chỉ có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Lâm là nhà cung cấp ethanol E100 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để phối trộn xăng E5 RON92 thông qua 2 nhà máy sản xuất etanol của Công ty đặt tại Đồng Nai và Quảng Nam với tổng công suất sản xuất 200.000 m3/năm.

Bên cạnh đó, nhà máy ethanol Bình Phước (công suất 100.000 m3/năm) và nhà máy ethanol Dung Quất (công suất 100.000 m3/năm) đang tính toán phương án khởi động trở lại.

Ngoài nguồn cung trong nước, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã nhập khẩu ethanol E100 để chủ động nguồn ethanol E100 phục vụ phối trộn xăng E5 RON92. Như vậy, nguồn cung ethanol E100 phục vụ phối trộn xăng E5 RON92 nhìn chung được bảo đảm.

Tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP nêu rõ: “Chỉ được phép lưu thông xăng dầu trên thị trường Việt Nam có chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng”.

Trong thông báo số 255/TB-VPCP ngày 6-6-2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhiên liệu sinh học khi cần thiết, xây dựng Kế hoạch kiểm tra, quản lý thiết bị đo lường và chất lượng nhiên liệu sinh học trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường.

Trong thời gian vừa qua, nguồn cung xăng dầu luôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu trong bất kỳ tình huống nào, an ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo.

Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu nói chung được các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động quyết định giá bán lẻ nhưng không cao hơn giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố.

- Tiêu thụ xăng E5 tại một số doanh nghiệp đầu mối:



 - Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu sửa Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu. Quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Lộc An:
Vấn đề kinh doanh nhiên liệu sinh học đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã quy định các thương nhân kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Còn tại Thông báo số 547/TB-VPCP ngày 24-11-2017 của Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế và cơ chế chính sách hiện hành.

Để triển khai, Bộ Công Thương đã phối hợp, trao đổi Bộ Tài chính để bàn phương án sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Trên cơ sở ý kiến phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong quá trình rà soát, đánh giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã đi vào thực tiễn của đời sống xã hội, khuyến khích nhiều thành phần tham gia kinh doanh xăng dầu, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Hơn nữa, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP là cơ sở pháp lý cho các Bộ điều hành làm cho thị trường xăng dầu trong nước ổn định, an ninh năng lượng quốc gia được bảo đảm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15-1-2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó đã sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định bãi bỏ phần nội dung điều kiện quy định về lộ trình đầu tư, sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về: Kho xăng dầu (khoản 3 Điều 7), phương tiện vận tải xăng dầu nội địa (khoản 4 Điều 7), cửa hàng bán lẻ xăng dầu (khoản 5 Điều 7). Bãi bỏ điều kiện sản xuất xăng dầu (Điều 10), điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có địa điểm phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quy định (khoản 1 Điều 24).

Quy định mới cũng bãi bỏ quy định về quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, quy hoạch thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cửa hàng xăng dầu thống nhất trong cả nước, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi áp dụng pháp luật trong việc xây dựng, quản lý hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Hiện nay, đang tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với mặt hàng xăng dầu như thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đối với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu MFN, thuế nhập khẩu ở khu vực ASEAN, Trung Quốc là 20%, trong khi thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ 10%... Điều này gây khó khăn cho việc xác định thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Để giải quyết trước mắt vấn đề thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong bối cảnh tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính đã phải đưa ra giải pháp tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền giữa các mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo tỷ trọng nguồn hàng để áp dụng trong tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ vấn đề thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương: Tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5 RON92

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.