Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Phát triển nội lực, gia tăng giá trị

Nguyễn Mai| 27/07/2018 07:05

(HNM) - “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị...

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, TP Hà Nội đã và đang tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tạo động lực cho phát triển kinh tế nông thôn.

Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại làng nghề Phú Vinh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).


Khai thác lợi thế làng nghề và nông sản

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, TP Hà Nội có số lượng làng nghề chiếm hơn 60% tổng số làng nghề của cả nước. Làng nghề Hà Nội đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như: Sơn mài, khảm trai, nón và mũ lá, mây tre, giang đan, chế biến lâm sản, thêu ren, cơ kim khí, điêu khắc, đan tơ lưới, chế biến nông sản, sinh vật cảnh... Trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề có kiểu dáng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, lược sừng Thụy Ứng, mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, điêu khắc Dư Dụ, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, đúc đồng Ngũ Xã...

Năm 2017, tổng thu nhập của làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Hà Nội đạt trên 20.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có thu nhập cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ xã Sơn Đồng (Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim xã La Phù (Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu (Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm... Thu nhập bình quân ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng. Ngoài ra, Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản có giá trị như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn Đại Thành, khoai lang Đồng Thái, sữa Ba Vì, rau muống tiến vua Sen Chiểu… cho thu nhập khá, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, làng nghề và nông sản đặc sản chính là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) hiệu quả gắn với hai mục tiêu cốt lõi thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tạo động lực cho phát triển

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trước đây, trên cơ sở nghiên cứu phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" của Nhật Bản và "Mỗi xã một sản phẩm" của Thái Lan, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa chủ trương của Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố và đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp thông tin, số liệu về làng nghề, sản phẩm địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển sản phẩm... để phục vụ cho việc xây dựng Đề án OCOP TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. UBND thành phố cũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, phân công rõ nhiệm vụ các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan.

Nông dân xã Sen Chiểu (Phúc Thọ) trồng rau muống tiến vua.


Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề như: Khuyến khích áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới cho làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng...

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, để triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thu hút người dân trên địa bàn thành phố tích cực tham gia. Cùng với đó, tập trung hơn nữa cho công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng; tiếp tục cải thiện mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường; bên cạnh đó xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; sớm ban hành cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xuất khẩu sản phẩm Chương trình OCOP ra thị trường ngoài nước.

Thực hiện Chương trình OCOP, TP Hà Nội đặt mục tiêu: Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo sản phẩm của thành phố gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Phát triển nội lực, gia tăng giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.