Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đòn bẩy” cho sản xuất bền vững

Nguyễn Mai| 17/08/2018 06:48

(HNM) - Thực hiện xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Hoạt động nghiên cứu - ứng dụng đã thực sự trở thành

Trồng rau trong nhà kính ứng dụng công nghệ Israel.


Gia tăng giá trị

Mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) có diện tích 3.000m2 với số vốn đầu tư (ban đầu) gần 70 tỷ đồng, hiện đã xây dựng hệ thống sản xuất nấm hoàn chỉnh bao gồm: Phòng cấy giống, phòng ươm, phòng thu hoạch và đóng gói. Theo Giám đốc Công ty Dương Thị Thu Huệ, toàn bộ quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, đóng gói nấm đều sử dụng máy móc, công nghệ Nhật Bản. Mỗi ngày, công ty có thể sản xuất hàng tấn nấm kim châm chất lượng mà không cần nhiều nhân công...

Một ví dụ khác về ứng dụng công nghệ hiện đại cho sản xuất hiệu quả là trường hợp anh Nguyễn Văn Lâm, ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) - người đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi tập trung. Trên diện tích gần 1.000m2, anh Lâm kỳ công xây dựng chuồng trại, hệ thống làm mát, máng ăn uống tự động... giúp hạn chế dịch bệnh, vật nuôi sinh trưởng tốt. Với hệ thống chuồng trại này, gia đình anh nuôi 3 vạn gà đẻ trứng; gần 300 con lợn. Theo Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Vũ Văn Lợi, ngoài anh Nguyễn Văn Lâm, trên địa bàn hiện có hơn 100 trang trại chăn nuôi, chủ yếu theo mô hình công nghiệp khép kín. Nhờ đó, nhiều hộ thu nhập mỗi năm đạt 500 triệu-1 tỷ đồng.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh với nhiều giải pháp: Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh; đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; lắp đặt hệ thống làm mát… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định: Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản đã cho năng suất vượt trội, giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn thành phố đã có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao, thu nhập bình quân/ha canh tác đạt 239 triệu đồng/năm.

Góp sức vào lĩnh vực này, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi như tạo các giống gà lai hướng trứng, hướng thịt; quy trình bảo quản trứng; nghiên cứu khẩu phần ăn phù hợp cho bò lai hướng thịt F1, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình chăn nuôi bò thịt… Sở cũng đã hỗ trợ nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm truyền thống, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đặc sản của Hà Nội.

Đẩy mạnh chuyển giao,ứng dụng

Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đặt mục tiêu: Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Thực tế, so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp vẫn khiêm tốn. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Trung Chính, các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu, chưa đồng bộ. Có rất ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như sản xuất giống cây con hoặc chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm... Nhiều nông sản chưa xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu nên giá trị kinh tế chưa cao...

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao Dương Thị Thu Huệ đề xuất, thành phố có thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với cơ sở nghiên cứu khoa học của Nhà nước để chuyển giao khoa học, ứng dụng thực tiễn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao...

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2018-2020, thành phố tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nghiên cứu, ứng dụng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố cũng dành sự quan tâm cho hoạt động đầu tư công nghệ mới, công nghệ chế biến sâu, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm…
Mới đây, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển nông nghiệp sinh thái.

Thực tế cho thấy, nếu thực hiện hiệu quả, hoạt động nghiên cứu, đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ thực sự là "đòn bẩy" để hướng đi này nhanh tới đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đòn bẩy” cho sản xuất bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.