Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tới năm 2020, sẽ cơ bản xử lý xong các yếu kém, thua lỗ tại 12 dự án của ngành Công Thương

Thư Kỳ| 22/09/2018 07:05

(HNM) - Chiều 21-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.


Cuộc họp nhằm đánh giá kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xử lý những yếu kém của 12 dự án, nhà máy giai đoạn 2017-2020, tổng hợp các thông tin mới nhất để báo cáo tới Quốc hội trong tháng tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chiều 21.9. Ảnh: Dân trí


Theo báo cáo tại cuộc họp, nhờ nỗ lực từ các bộ, tập đoàn, tổng công ty, đến thời điểm hiện nay, tình hình ở 12 dự án, doanh nghiệp tiếp tục có các chuyển biến tích cực. Theo kế hoạch hành động ban hành theo Quyết định số 4296/QĐ-BCĐĐANCT ngày 29-9-2017 của Trưởng ban Chỉ đạo, có 98 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty để triển khai thực hiện, trong đó có 66 nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2017 và năm 2018.

Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, việc thực hiện các giải pháp đặt ra trong kế hoạch triển khai hành động sẽ góp phần để năm 2018 xử lý căn bản các vướng mắc và tới năm 2020 sẽ cơ bản xử lý xong các yếu kém, thua lỗ của 12 dự án, nhà máy trong danh sách.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp trong quý IV-2018 chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, cùng lãnh đạo 4 tập đoàn, tổng công ty tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý để tư vấn cho Ban Chỉ đạo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác định hướng xử lý các vướng mắc. “Đây là giải pháp trọng tâm nhất”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bộ Tài chính rà soát các kiến nghị vượt thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty về bán tài sản khấu hao; giải quyết theo thẩm quyền cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở một số dự án yếu kém, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đánh giá thuế xuất khẩu phân bón, thuế nhập khẩu thạch cao,… Ngân hàng Nhà nước chủ trì họp về tái cơ cấu nợ ở các tổ chức tín dụng tham gia vào các dự án, nhà máy thua lỗ yếu kém thuộc thẩm quyền của thống đốc. Bộ Công Thương đánh giá rõ tác động của vấn đề thương mại toàn cầu tới các mặt hàng sản xuất, khuyến cáo các tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp…

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo đề án được phê duyệt, chú ý đẩy mạnh một bước xử lý các vướng mắc của hợp đồng EPC trong quý IV; tăng cường quản trị cả về sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, nhân lực, tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh khi cơ cấu lại các dự án...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tới năm 2020, sẽ cơ bản xử lý xong các yếu kém, thua lỗ tại 12 dự án của ngành Công Thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.