Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam - điểm đến hấp dẫn

Hồng Sơn| 05/10/2018 07:08

(HNM) - Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 4-10, tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự, khẳng định Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay, Hà Nội đang dần trở thành siêu đô thị, mở cửa hội nhập quốc tế, với tốc độ nhanh. Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, được doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên lựa chọn. Lũy kế đến tháng 9-2018, Hà Nội có 4.372 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 33,381 tỷ USD. Trong đó, 9 tháng năm 2018 thu hút được 6,265 tỷ USD vốn nước ngoài và đứng đầu cả nước. Khu vực đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; chiếm 10-15% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp thành phố tăng trưởng về kinh tế, xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 270.000 lao động và tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực.

Thành phố xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và khai thác lợi thế cũng như tăng cường liên kết, chia sẻ cơ hội hợp tác thông qua thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng. Đó là, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có áp dụng công nghệ mới, tự động hóa, sử dụng ít năng lượng...; lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, sinh học, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm:
Tạo ra hàng vạn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động

Bình Dương khi mới thành lập là một tỉnh nông nghiệp, đời sống người dân nhiều khó khăn. Xuất phát từ đó, chính quyền tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tìm nguồn lực phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển, tăng tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế trên địa bàn và chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài ra đời nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó. Đến nay, Bình Dương đã trở thành địa phương đứng trong tốp đầu về thu hút, sử dụng vốn nước ngoài, từ đó thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

Trên thực tế, khu vực đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh, bền vững; bộ mặt, cảnh quan trên địa bàn thay đổi theo hướng hiện đại, với sự ra đời, hoạt động hiệu quả của các khu công nghiệp, đô thị... Hiện, Bình Dương có hơn 3.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tạo ra hàng vạn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động... Bình Dương sẽ tiếp tục việc cải cách hành chính, hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư, cũng như nghiên cứu, tiến tới áp dụng những bài học kinh nghiệm, mô hình phù hợp trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu Nicolas Audier:
Chủ động tham gia các hiệp định thương mại

Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế, vì vậy cần tìm cách duy trì, gia tăng sức hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của giới đầu tư trong tương lai. Đó là sự chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, Việt Nam nên xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cấp quốc gia để xác định, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế cũng như kết hợp việc tìm phương án chống chịu với những tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của kinh tế thương mại quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để làm chủ tình hình khi tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.