Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ truyền thống: Nhiều tồn tại cần tháo gỡ

Thanh Hiền| 29/10/2018 06:35

(HNM) - Đầu tư, quản lý chợ truyền thống là một trong những vấn đề được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại đang phải tập trung tháo gỡ.

Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lối đi chật hẹp, nguy cơ hỏa hoạn rất lớn (ảnh chụp chiều 28-10). Ảnh: Quang Thái


Nhiều bất cập


Dạo quanh các khu chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), chợ Xanh (quận Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)… có thể dễ dàng nhận thấy lối đi lại trong chợ chật hẹp, giữa các quầy hàng gần như không có khoảng cách. Nhiều gian hàng bố trí, sắp xếp hàng hóa cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm. Tại dãy hàng bán quần áo trong chợ Ngã Tư Sở, một số chủ cửa hàng còn thắp hương, nguy cơ hỏa hoạn rất lớn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ. Trong đó, có 310/454 chợ được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng; 144 chợ chưa được phê duyệt. Trong số 144 chợ này có 128 chợ lán tạm, 16 chợ bán kiên cố do UBND các xã, phường giao các tổ quản lý chợ quản lý, chủ yếu các chợ họp theo phiên, hầu như không có hộ kinh doanh cố định.

Với 310 chợ đã được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng thì nhiều chợ có số lượng hộ kinh doanh quá tải, ý thức tiểu thương còn kém, cảnh lấn chiếm đường đi, diện tích khác trong chợ để bố trí quầy hàng, làm kho hàng… khá phổ biến.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, qua kiểm tra tại các chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai); chợ Vân Canh (huyện Hoài Đức); chợ Láng Hạ, chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Bưởi, chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho thấy, chính quyền các cấp cơ bản đã quan tâm hơn đến công tác quản lý chợ. Có đơn vị thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động 100%, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chợ văn minh đô thị.

Tuy nhiên, vẫn còn chợ chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chậm. Một số địa phương chậm phê duyệt giá dịch vụ chợ. Vẫn còn những vụ việc khiếu nại, tố cáo, thậm chí tiêu cực trong quản lý kinh doanh khai thác chợ… chưa được giải quyết dứt điểm, kịp thời; còn nhiều chợ không đáp ứng được các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương chỉ xét duyệt phân hạng, bố trí ngành hàng với những chợ đầu mối, chợ hạng 1, còn việc thành lập ban quản lý, ban chỉ đạo thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, nhưng ban quản lý một số chợ vẫn để các hộ bày bán, lấn chiếm, vi phạm thiết kế ban đầu.

Bên cạnh đó, việc cải tạo nâng cấp, đầu tư xây mới các chợ gặp nhiều khó khăn do hiệu quả khai thác chưa cao, nên khó kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Trong khi, cơ chế sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ còn không ít vướng mắc.

Chuyển đổi mô hình

Hà Nội còn 144 chợ chưa bố trí, sắp xếp ngành hàng dẫn đến bất cập trong công tác quản lý. Ảnh: Quang Thái


Theo ông Lê Hồng Thăng, để nâng cao hiệu quả quản lý chợ, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt; bố trí cán bộ, đầu tư kinh phí, nguồn lực thích đáng cho công tác này.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Long Biên chia sẻ, quận Long Biên có 28 chợ với gần 3.000 hộ kinh doanh, nộp thuế trên 2 tỷ đồng/năm, đơn vị quản lý chợ nộp gần 3 tỷ đồng. Trong đó, 25 chợ do doanh nghiệp quản lý và 3 chợ do hợp tác xã quản lý. Mô hình này đã tạo bộ mặt đô thị khang trang, giảm gánh nặng cho ngân sách trong đầu tư xây dựng chợ và tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, để các chợ hoạt động hiệu quả, cần có cơ chế quản lý thống nhất và giao doanh nghiệp quản lý đồng bộ.

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ban hành Công văn 4942/UBND-KT ngày 11-10-2018 về việc đôn đốc khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn thành phố.

Trong đó, những chợ chưa có trong quy hoạch và còn vướng mắc về hồ sơ, UBND các quận, huyện hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện hồ sơ để Sở Công Thương thẩm định, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trong năm 2018. UBND các quận, huyện: Cầu Giấy, Tây Hồ, Đan Phượng, Sơn Tây, Thường Tín, Gia Lâm hoàn thành việc phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại các chợ trên địa bàn trước ngày 30-10-2018.

Hiện nay, hầu hết quận, huyện nêu trên đã báo cáo thực trạng, tình hình và đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng yêu cầu, các đơn vị chức năng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến hết tháng 10-2018, 100% hộ kinh doanh có giấy xác nhận, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức tuyên truyền, vận động, kiên quyết giải tỏa và chấm dứt việc hình thành chợ "cóc", chợ tạm; sắp xếp hợp lý chợ tạm gắn với quản lý đô thị văn minh, hiện đại…

Tăng cường tuyên truyền, đối thoại công khai để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến hoạt động của các chợ; đồng thời, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng chợ; xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư hạn chế năng lực và vi phạm quy định để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, cải tạo chợ; đôn đốc, chỉ đạo lập và triển khai kế hoạch cải tạo chợ, tập trung khắc phục các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng để bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chợ truyền thống: Nhiều tồn tại cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.