Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện môi trường kinh doanh: Yêu cầu có tính liên tục

Hồng Sơn| 26/11/2018 07:16

(HNM) - Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Công Hùng


Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian qua đạt những kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn trên đà tăng theo thời gian trong 2 năm qua và ghi dấu ấn về niềm tin, khát vọng khởi nghiệp của giới doanh nhân, doanh nghiệp trong nước.

Cộng đồng doanh nghiệp xác nhận, việc tăng cường triển khai thực hiện thủ tục qua mạng, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin cũng như rút ngắn các công đoạn liên quan đang mang lại những lợi ích thiết thực, nhất là xét từ góc độ tiết kiệm thời gian, giảm chi phí so với trước.

Kết quả báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 20-11, việc đăng ký kinh doanh đã thuận lợi hơn trước nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cán bộ, công chức. Riêng việc cấp phép xây dựng được 49% doanh nghiệp xác nhận có chuyển biến tốt, hạ tầng được bổ sung; trong khi việc tiếp cận điện năng của doanh nghiệp có sự cải thiện mạnh mẽ, thời gian đấu nối điện giảm từ 115 ngày xuống còn 31 ngày...

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị cũng chủ động hợp tác với cơ quan chức năng để tranh thủ cơ hội phát triển, nhất là đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đơn cử, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đơn vị này luôn tìm cách duy trì sự có mặt của cán bộ tập đoàn ở ngay tại trung tâm hành chính cấp tỉnh, thành phố để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh.

EVN đang tăng cường ứng dụng tiến bộ tin học, chuẩn bị điều kiện để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng mọi nơi, mọi lúc. Kết quả đáng ghi nhận về giảm thời gian đấu nối điện nói trên là minh chứng cho sự cải cách của một ngành cụ thể.

Tuy vậy, đến nay các bộ, ngành mới cắt giảm được 771 điều kiện kinh doanh, sửa đổi 542 điều kiện kinh doanh và thay thế 111 điều kiện kinh doanh khác và nhìn chung là chưa đạt yêu cầu. Một số bộ, ngành có kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh thấp, như các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Từ thực tế trên, cần tiếp tục tinh thần kiên trì và tăng tốc cải cách, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, cần kết hợp tăng cường rà soát, nhất là phòng chống các hành vi tiêu cực, gây phiền hà đối với doanh nghiệp.

Từ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần khuyến khích hoạt động giám sát của doanh nghiệp, tham vấn từ phía cơ quan độc lập để bảo đảm chất lượng cải cách. Bên cạnh đó, so sánh với yêu cầu cũng như đánh giá tác động kinh tế đối với doanh nghiệp sau khi xuất hiện một quyết định cụ thể của cơ quản lý.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, vẫn còn khoảng cách khá rõ giữa kết quả nêu trong báo cáo hành chính được các bộ, ngành đưa ra so với hiệu quả, tác động thực chất khi đến với doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là mức độ cải cách thủ tục đã đến đâu, có mang lại hiệu quả, sự thụ hưởng thật sự cho doanh nghiệp hay không?

Mặt khác, cần duy trì hoạt động rà soát, đánh giá để tránh tình trạng khi cơ quan chức năng phải chịu sức ép thì mới tập trung cải cách; nhưng nếu hết giai đoạn kiểm tra, đôn đốc thì lại giảm sút dẫn đến sự chuyển biến không đồng đều...

Trên thực tế, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh phải được xác định là hoạt động thường xuyên, với ý thức cầu thị để mỗi đơn vị sản xuất - kinh doanh đều được hưởng kết quả của quá trình cải cách. Hoạt động kiểm tra, đánh giá việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục, cũng cần tiến hành liên tục, sát với yêu cầu thực tế.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cần có sự lồng ghép hợp lý với yêu cầu hội nhập, nhất là trong thực hiện nội dung cam kết với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong đó, cần lưu ý đến yêu cầu đáp ứng những điều kiện khắt khe, phức tạp trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực để kết hợp với thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cải cách thể chế kinh tế; xác định rõ doanh nghiệp là đối tượng hướng tới phục vụ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường kinh doanh: Yêu cầu có tính liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.