Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn| 18/12/2018 07:16

(HNM) - Chỉ còn chưa đến nửa tháng nữa sẽ kết thúc năm kế hoạch 2018, với dự báo là hầu hết mục tiêu kinh tế vĩ mô sẽ hoàn thành, hoặc hoàn thành vượt kế hoạch.

Mới đây, Chính phủ đã đưa ra nhận định, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2018 chắc chắn sẽ được giữ ở mức tăng dưới 4%, tức là hoàn thành kế hoạch đề ra. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn, liên tục trong công tác điều hành cũng như kết hợp với yếu tố khách quan, diễn biến giá cả trên thị trường trong nước và quốc tế.


Ảnh minh họa: Internet


Khác với sự lo ngại kéo dài từ đầu năm đến nay về khả năng khống chế đà tăng giá, thậm chí từng có ý kiến cho rằng rất khó giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4%. Tuy vậy, diễn biến CPI tháng 11 đã cho kết quả như mong đợi. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11-2018 giảm 0,29% so với tháng trước, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng qua so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,59%. Như vậy, vẫn còn dư địa để khống chế đà tăng giá, hướng tới kết quả như mong muốn.

Phân tích diễn biến CPI tháng 11 cho thấy, có một số yếu tố đã tác động tích cực, kéo giảm CPI. Trước hết, nhóm giao thông giảm 1,81%, là “ngòi nổ” cho việc kéo CPI giảm do ảnh hưởng của 2 lần giảm giá xăng, dầu ở mức khá sâu (tổng cộng giảm hơn 2.000 đồng/lít xăng). Điều này đã làm cho CPI giảm 0,17%. Xăng, dầu giảm giá cũng tác động đến các lĩnh vực khác.

Từ đó đã tạo ra sự ổn định về giá với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, việc giá xăng, dầu giảm sâu nhưng giá cước vận tải không giảm cũng đang là điều bất hợp lý cần điều chỉnh, góp phần giữ giá thành các mặt hàng trong hai tháng cận Tết. Tiếp theo, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, gas giảm 0,64%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; bưu chính - viễn thông giảm 0,06%. Ba nhóm này đã cộng hưởng để góp phần đẩy lùi đà tăng CPI như đã diễn ra trong nhiều tháng trước. Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, việc chi tiêu đã cải thiện ở mức có thể nhận biết được, tuy chưa phải là lớn.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, hiện giá thịt lợn và rau tươi vẫn trên đà ổn định, sẽ là yếu tố tích cực để hãm đà tăng giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, giá gas trong nước giảm 40.000 đồng/bình loại 12kg theo đà giảm giá trên thị trường thế giới tiếp tục phát huy tác dụng và sẽ là yếu tố thuận lợi cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Đặc biệt, giá dầu thô trên thị trường quốc tế vẫn đang trong giai đoạn giảm giá (hiện ở mức dưới 60 USD/thùng) và xu hướng này có thể sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa. Đây là yếu tố khách quan, sẽ có tác động tốt với diễn biến giá xăng, dầu trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung, bởi có đến 70% nhu cầu tiêu thụ xăng ở nước ta phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khả năng hoàn thành mục tiêu khống chế CPI cả năm tăng dưới 4% là điều có thể thực hiện do một số yếu tố, điều kiện nói trên, cũng như sự kiên trì, sát sao trong công tác điều hành của Chính phủ suốt năm 2018. Hoạt động điều hành giá nói chung, trong đó có việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu một cách phù hợp, linh hoạt trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh. Do đó, việc siết chặt công tác quản lý gắn liền với đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, kiểm soát trên thị trường là rất quan trọng. Hiện lực lượng quản lý thị trường đang tăng số lần, số đoàn kiểm tra thị trường, trong đó tập trung vào những mặt hàng thiết yếu hoặc có nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng thực hiện một số cuộc kiểm tra chuyên đề, nhằm vào loại hàng hóa cụ thể, hoặc tại những địa bàn nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm để phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại, kết hợp các yếu tố khác để chủ động kiềm chế lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.