Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động các phương án

Thanh Tàu| 24/12/2018 06:46

(HNM) - Càng đến thời điểm cận Tết, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại TP Hồ Chí Minh càng có diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi.

Lực lượng chức năng bắt giữ lô hàng giả, hàng nhái tại một kho hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.


Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, Trung tâm Thương mại Saigon Square (quận 1, TP Hồ Chí Minh) là nơi bán rất nhiều sản phẩm thời trang như quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, mắt kính với các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài: Nike, Adidas, Lacoste, Converse, Rayban, Rolex, LV...

Khi xem qua và mua vài sản phẩm để so sánh, chúng tôi thấy không đúng như thương hiệu ghi trên nhãn mác. Không chỉ ở Trung tâm Thương mại Saigon Square mà nhiều cửa hàng, chợ truyền thống, kể cả những điểm bán lưu động trên vỉa hè... cũng nhan nhản hàng giả, hàng nhái với giá rẻ bèo.

Chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (ngụ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều lúc vào các trung tâm thương mại nổi tiếng của thành phố nhưng vẫn bị mua nhầm hàng giả.

Còn anh Lương Bá Cường (ngụ tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho hay, anh đã đến chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) mua đồng hồ vì ở đây có rất nhiều cửa hàng bày bán đồng hồ với các nhãn hiệu nổi tiếng.

“Nghe tôi đặt vấn đề mua đồng hồ hiệu Citizen, một chủ cửa hàng cho biết, giá từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/chiếc... Tất cả là hàng chính hãng, bảo hành 12 tháng... Tuy nhiên, sau khi mua về sử dụng được hơn một ngày thì đồng hồ ngưng chạy, tôi đem ra tiệm sửa chữa, chủ tiệm nói đồng hồ này là hàng giả…”, anh Cường kể lại.

Để phòng chống hàng giả, hàng nhái, lực lượng chức năng thành phố đã liên tục kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc. Mới nhất, chiều 20-12 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 27, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại địa chỉ số 41, đường Đông Hưng Thuận 13 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) và tạm giữ hơn 1.800 ví da, túi xách thời trang các loại gắn mác Gucci, Chanel, Versace... Số hàng này sản xuất tại Trung Quốc nhưng đại diện chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ của lô hàng.

Trước đó, ngày 6-12, tại Cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với cơ quan chức năng khám xét 20 container hàng nhập khẩu, nơi nhận là Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ vận tải Trí Quang (số 60 Nguyễn Văn Giáp, phường Bình Trưng Đông, quận 2). Kiểm tra từng container, cơ quan Hải quan phát hiện hàng hóa bên trong đều là phế liệu, phế thải...

Thực hiện nhiều giải pháp

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) TP Hồ Chí Minh, trong 11 tháng năm 2018, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã phát hiện, xử lý 24.589 vụ vi phạm. Trong đó, có 2.346 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 21.373 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 870 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Các cơ quan chức năng đã khởi tố, xử lý hình sự 66 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với 65 đối tượng.

Tuy nhiên, việc đấu tranh với loại vi phạm này rất khó khăn, phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, tổ chức thành các đường dây lớn. Hàng lậu được đưa từ nhiều nơi về thành phố để tiêu thụ. Mặt khác, thói quen sử dụng hàng nhái cũng phần nào tiếp tay cho loại vi phạm này hoạt động.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố đã lên kế hoạch ra quân xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; nhất là lương thực, thực phẩm đã chế biến, pháo các loại và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết.

Tương tự, ông Lê Tuấn Bình, Chánh Văn phòng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho hay, trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Ban Chỉ đạo 389 thành phố giao lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu tại cửa khẩu... Lực lượng Hải quan tổ chức các đợt cao điểm chống buôn lậu theo các tuyến trọng điểm và các lĩnh vực có nhiều rủi ro, ngăn chặn các loại hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng đưa vào thị trường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cũng cho biết, Tổng cục vừa có Văn bản chỉ đạo số 1274/TCQLTT-THKHTC về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2018, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019... Tổng cục yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải chấn chỉnh cán bộ, công chức, người lao động thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong thực thi nhiệm vụ; phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không gây phiền hà và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Còn ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đề nghị, để chống hàng nhập lậu, hàng giả hiệu quả, các nhà sản xuất cũng cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác tội phạm; về phía người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác và nhận thức rõ trách nhiệm "nói không" với hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các phương án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.