Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển vùng mây, tre, nứa: Khắc phục thiếu hụt nguyên liệu

Bạch Thanh| 24/12/2018 07:13

(HNM) - Việt Nam có khoảng hơn 1.000 làng nghề mây, tre, giang đan, chiếm 24% tổng số làng nghề trong cả nước. Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu đến 163 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, nhiều nhóm sản phẩm được đánh giá cao.


Theo bà Nguyễn Thị Lương - Giám đốc Công ty TNHH Mây, tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), nguồn nguyên liệu của công ty là cây cỏ tế, nứa, mây, song… được mua từ vùng rừng núi Nghệ An, Hòa Bình, Lai Châu… “Cách đây 2 năm, chúng tôi chỉ mua với giá 25.000-30.000 đồng/kg thì đến năm 2018 đã lên 40.000-50.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ rất khó tăng giá, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của làng nghề” - bà Lương trăn trở.

Không chỉ doanh nghiệp của bà Lương mà nhiều doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ đã phải kiến nghị tới các bộ, ngành liên quan sớm có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ổn định, khoa học, bảo đảm về số lượng và chất lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất...

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu diễn ra trên diện rộng. Nếu trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu trong nước thì đến nay, nhiều làng nghề đã phải nhập khẩu 50% số nguyên liệu cho sản xuất. Việc nhập chủ yếu thông qua tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định về thời gian giao hàng; số lượng, chất lượng của nguyên liệu không đồng đều...

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng khan hiếm nguyên liệu và giá thành gia tăng là do việc khai thác, sản xuất thiếu tổ chức. Tình trạng khai thác quá mức, bừa bãi... dẫn đến vùng nguyên liệu tre, nứa, mây... bị thoái hóa. Trong khi, cơ sở chế biến quy mô nhỏ, phân tán, không gắn với vùng nguyên liệu nên các giải pháp lâm sinh ứng dụng cho rừng tre, nứa, mây... còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Nam Sơn, Vụ Phát triển rừng - Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT cho hay: Hiện, mỗi năm cả nước có nhu cầu tiêu thụ khoảng 400-500 triệu cây tre, nứa và khoảng 80.000 tấn song, mây. Qua điều tra, phân loại, chúng ta có hơn 200 loài tre, trúc với diện tích tre, nứa toàn quốc là 1.479.000ha, trữ lượng ước tính hơn 6 tỷ cây; rừng tre, nứa trồng khoảng 85.000ha, trữ lượng ước tính 350 triệu cây...

Tuy nhiên, để đáp ứng mức tăng trưởng 10-15%/năm về nhu cầu nguyên liệu đến 2020, cần thêm 1 tỷ cây tre, nứa/năm trở lên. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần bảo vệ tốt, không để khai thác tận diệt khoảng 1,3 triệu héc ta rừng tre nứa tự nhiên; trồng lại và trồng mới khoảng 150.000ha; tiếp tục nghiên cứu và chuẩn hóa kỹ thuật lâm sinh, hỗ trợ phát triển vườn ươm, ưu tiên phát triển các giống tre, trúc, song, mây... có tiềm năng, giá trị thương mại.

Để giải bài toán thiếu hụt nguyên liệu mây, tre, giang đan cho các làng nghề và doanh nghiệp, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển, ngành Lâm nghiệp đang xây dựng chiến lược quy hoạch để bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu mây, tre, giang đan. Từ đó, các đơn vị và địa phương nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo phát triển các loài mây, tre có giá trị kinh tế cao và quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục đang xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển mây, tre; hoàn thành giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, hộ gia đình để bảo đảm quyền sử dụng nhằm bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu; đồng thời, chuyển giao công nghệ về giống, kỹ thuật thâm canh tre, luồng, nứa, cỏ tế, song, mây...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng mây, tre, nứa: Khắc phục thiếu hụt nguyên liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.