Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đầu tư nông nghiệp tương xứng với tiềm năng

Đỗ Minh| 31/12/2018 06:47

(HNM) - Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, nguồn vốn; giảm thiểu các thủ tục hành chính...


Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nếu năm 2007, cả nước có 2.397 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì tới hết tháng 9-2018 đã có tới hơn 8.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường, giúp tăng chất lượng, tăng năng lực chế biến sâu, qua đó gia tăng giá trị của nông sản...

Trong sự chuyển biến tích cực đó, có dấu ấn của việc Nhà nước và các bộ, ngành đã xây dựng khung pháp lý ngày một thông thoáng và ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ NN&PTNT đã xây dựng hoặc tham gia xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2018, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020 và gần đây nhất là Nghị định của Chính phủ số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 về phát triển ngành nghề nông thôn. Các nghị định đã tập trung vào cơ chế chính sách, ưu đãi về sử dụng hoặc thuê đất đai; ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng; phát triển thị trường... Điển hình là ưu tiên hỗ trợ các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao; giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp về địa phương.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, dù số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng mạnh song tỷ trọng còn rất nhỏ, chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số các doanh nghiệp cả nước. Đáng lưu ý, có tới hơn 95% số doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động quy mô vừa và nhỏ. Đây là một trong những yếu tố cản trở ngành Nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp...

Về phía các doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam chia sẻ, đất đai đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp vì rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng là hạn chế đáng kể. Theo Giám đốc Công ty Huy Long An (tỉnh Long An) Võ Quang Huy, hiện có tới 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam sử dụng máy móc hết khấu hao nên năng lực sản xuất, sơ chế, chế biến thấp...

Ngoài ra, năng lực liên kết, hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế; khả năng liên kết với các đối tác, tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế... chưa thực sự chuyên nghiệp.

Để khắc phục những nhược điểm trên, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, Bộ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nông nghiệp...

Cùng với nỗ lực của ngành chủ quản, vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng rất cần sự chỉ đạo của Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương... trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.

Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai, phù hợp với quyền sử dụng hợp pháp của nhà đầu tư; tăng cường nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, giúp giảm chi phí đào tạo ban đầu cho các nhà đầu tư...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đầu tư nông nghiệp tương xứng với tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.