Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình thành thói quen không dùng tiền mặt

Hà Linh| 04/01/2019 07:03

(HNM) - Không còn thường xuyên mang theo tiền mặt, nhiều người đã dùng các loại thẻ tín dụng để chi tiêu.

Khách hàng thanh toán tiền mua hàng hóa tại siêu thị bằng thẻ tín dụng.


Giảm dần việc thanh toán bằng tiền mặt

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm. Tính đến hết năm 2018, số món giao dịch qua ATM tăng khoảng 12% so với cuối năm 2017, số món giao dịch qua máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ) tăng 42%. Số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành hiện đạt gần 150 triệu thẻ, tăng hơn 7% so với thời điểm đầu năm 2018. Có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động...

Thói quen sử dụng thẻ ngân hàng thay vì tiền mặt cũng đang hình thành với nhiều người dân. Không còn đến tận nơi để mua sắm, hay đóng các khoản phí, giờ đây chỉ cần ngồi một chỗ, với chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính kết nối internet, khách hàng có thể lựa chọn bất cứ dịch vụ nào. Chị Huyền Hải (đường Lê Duẩn, Hà Nội) chia sẻ, khoảng 2 năm gần đây chị thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng hay tài khoản ATM để mua sắm và thanh toán các dịch vụ. Đây là bước phát triển mạnh mẽ của các ngân hàng, mang lại thuận lợi cho người sử dụng...

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện EVN thu tiền điện qua các kênh dịch vụ của ngân hàng và tổ chức trung gian như trích nợ tự động, ATM, internet banking, mobile banking, ví điện tử... Nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng, đến nay EVN đã hợp tác với gần 30 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian để đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng, trung gian thanh toán. Tỷ lệ hóa đơn thanh toán qua ngân hàng và trung gian thanh toán tăng từ 14,8% năm 2015 lên hơn 45% năm 2018. Doanh thu tiền điện thanh toán qua kênh này là 64,35% năm 2015, đến nay tăng thêm khoảng 20%, tỷ lệ thu tại quầy điện lực giảm mạnh...

Nhiều giải pháp hiệu quả

Việc dùng thẻ tín dụng để chi tiêu dần trở thành thói quen của nhiều người dân. Ảnh: Mạnh Hà


Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhiều năm qua. Theo Quyết định số 2545/2016/QÐ-TTg (ngày 30-12-2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, một trong những mục tiêu đáng chú ý là giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020. Cùng với đề án trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg (ngày 8-8-2018) phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Quyết định đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, cuối năm 2025 con số này rút xuống còn 8%.

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, nêu rõ: Để đẩy mạnh thanh toán điện tử, các bộ, ngành, địa phương cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trước quý III-2019, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền vào ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán ngân hàng, xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, những năm gần đây, với sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính ngân hàng, doanh nghiệp... những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng. Bên cạnh hình thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng, việc thanh toán trực tuyến qua internet banking, mobile banking, SMS banking, ví điện tử... ngày càng phổ biến...

Về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý; trong đó đã ban hành 10 thông tư quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa cho thẻ ATM và tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật của QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành thói quen không dùng tiền mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.