Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp lực vượt khó vươn lên

Hoàng Bách| 11/01/2019 07:10

(HNM) - Các chương trình vay vốn ưu đãi của Chính phủ đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thoát khỏi ám ảnh đói nghèo, được ổn định cuộc sống...


Không chịu thua cái nghèo

Xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có 1.889 hộ, trong đó có hơn 65% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ở Liêng Srônh, người dân chủ yếu sống nhờ rẫy cà phê, nhà ít nhất cũng có 1-2ha. Tuy nhiên, cây cà phê mỗi năm chỉ một vụ, chi phí chăm bón và sinh hoạt trông chờ vào đó, đến mùa thu hoạch trả nợ đi có khi chẳng còn lại là bao, nên nhiều gia đình muốn thoát nghèo cũng không dễ.

Anh Điểu New chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: Hoàng Bách


Nhưng, có một người không chịu nhàn rỗi chờ vụ cà phê. Chị Rơ Ông K Nga đã tranh thủ thời gian để trồng dâu nuôi tằm. Trời mưa, trong khi đa phần người dân không thể lên rẫy chăm cà phê hay trồng trọt, thì mấy chị em nhà chị K Nga vẫn tất bật với những nong tằm. “Nếu chỉ phụ thuộc vào cây cà phê, gia đình chúng tôi cũng còn loay hoay nhiều năm nữa, nên phải tìm cách. Cân nhắc mãi, gia đình tôi quyết định trồng dâu nuôi tằm. Một là thị trường đang thuận lợi và đòi hỏi đầu tư ban đầu không quá lớn. Hai là lấy ngắn nuôi dài để dần từng bước tìm cách thoát nghèo", chị Rơ Ông K Nga tâm sự. Với cách làm này, trừ chi phí, gia đình chị K Nga thu về 5-6 triệu đồng/tháng, chắc chắn sẽ thoát nghèo trong thời gian không xa.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên ban hành chính sách riêng của địa phương để phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Với ưu thế về các vùng hàng hóa và đặc sản địa phương, tỉnh chú trọng việc chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho người vay vốn và xây dựng mô hình điểm để các hộ dân khác học tập. Đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, quen dần với sản xuất hàng hóa.

Anh Điểu New (39 tuổi dân tộc M’ Nông) ở bon (thôn) N’doh, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đón chúng tôi trong căn nhà vẫn còn mới nguyên, trị giá cả tỷ đồng nằm giữa những khu vườn cà phê, hồ tiêu xanh tốt. Hình ảnh hôm nay khác hẳn những ngày đầu ra ở riêng. "Năm 2002, khi mới lập gia đình, hai vợ chồng vẫn chỉ đi làm thuê kiếm sống, vườn rẫy bỏ hoang vì không có vốn cũng như không biết cách làm ăn”, anh Điểu New nhớ lại. Năm 2008, anh Điểu New đã tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, được vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi của Chính phủ theo chương trình cho vay hộ nghèo thực hiện qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk R’Lấp. Số tiền không nhiều, nhưng với người mà cả gia tài từng chỉ có 600.000 đồng như vợ chồng Điểu New, thì đây là khoản tiền rất lớn.

Cùng với việc vay vốn, sinh hoạt trong tổ, trong hội đoàn thể, gia đình anh cũng được tiếp cận nhiều thông tin hơn về cách đầu tư, chăm sóc vườn cà phê. Đến nay, gia đình Điểu New đã có cơ ngơi đáng mơ ước với 2,5ha cà phê, 3ha cao su, 400 trụ tiêu, 3 con bò, cùng nhiều máy móc hỗ trợ sản xuất. Vụ cà phê trước anh Điểu New thu được 8,4 tấn nhân cà phê, lãi khoảng 200 triệu đồng.

Chuyện thoát nghèo vươn lên của gia đình anh Điểu New không phải là trường hợp cá biệt ở bon N’doh, ở xã Đắk Wer này. Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wer Lê Quang Dũng phấn khởi chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi đến được đúng đối tượng, đúng thời điểm giúp bà con mua giống, phân bón nên phát huy hiệu quả. Vay vốn chính sách không phải thế chấp, lãi suất thấp hơn lãi vay thương mại, thủ tục nhanh gọn, có nhiều chương trình vay, nên bà con có điều kiện để tự tin vươn lên”.

Vừa có lực đẩy từ vốn Chính phủ, bà con lại chịu khó học hỏi cách làm ăn, nên đời sống ngày càng nâng cao. Từ một địa phương khó khăn khi mới chia tách năm 2003, xã Đắk Wer đã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2017.

Mong có chính sách đột phá

Khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi là một phương thức để đưa “cần câu” cho bà con các dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định, hiện nay, số lượng chính sách khá nhiều, riêng đồng bào dân tộc có đến 10 chính sách liên quan, chưa kể các chính sách gián tiếp. Điều này làm chính sách bị phân tán, nguồn lực định mức thấp đi...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cũng cho hay, qua giám sát, ban đầu có nhiều chính sách “cho không” nên dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ, thậm chí có người chưa muốn thoát nghèo... Vì vậy, ông Lợi đề nghị, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, đề nghị không xây dựng chính sách “đi hàng ngang” mà phải có trọng tâm, trọng điểm, phân vùng, phân loại để xử lý vấn đề nghèo đói.

Nhiều năm đau đáu về câu chuyện làm thế nào để đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, cần có những chính sách đột phá hơn. Ví dụ, về việc ưu tiên vốn, nơi nào khó khăn thì càng không được thiếu vốn, có thể phải bố trí, hoặc dành nguồn riêng cho khu vực đó. Đặc biệt, nên giảm “cho không”, tức là chỉ cho tùy bối cảnh đặc thù, tập trung đầu tư an sinh chung (trường học, đường giao thông, trạm y tế…), sinh kế. Ngoài ra, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ phải thiết kế trần mức vay vì nguồn vốn có hạn.

“Tăng hạn mức vốn vay nói chung thì chưa thể thực hiện, nhưng tới đây chúng tôi đề xuất Chính phủ “đục trần” mức vốn để riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay nhiều hơn, nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn. Đáng chú ý, đi kèm với đó là hướng dẫn bà con cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…”, ông Nguyễn Văn Lý chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, bày tỏ: “Ở xã Đắk Wer, gia đình nào cũng có ý chí thoát nghèo rất rõ ràng. Từ thực tiễn cơ sở, tôi tán thành với quan điểm để đồng vốn chính sách của Chính phủ phát huy hiệu quả hơn nữa, cần xem xét đến việc nâng mức vay lên cao hơn mức quy định hiện nay, để bà con các dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư bứt phá thoát khỏi ngưỡng nghèo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp lực vượt khó vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.