Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh thu hút vốn FDI: Cải thiện mạnh môi trường đầu tư

Nguyễn Lê| 18/01/2019 07:00

(HNM) - Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng dần trong các năm.

Tạo động lực mới

Đại diện doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn CJ Việt Nam cho biết, sở dĩ doanh nghiệp này mở rộng đầu tư tại TP Hồ Chí Minh do tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của kinh tế thành phố trong những năm qua. Ngoài ra, việc đối xử công bằng giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp địa phương cũng giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.

TP Hồ Chí Minh sẽ thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.


Năm 2018, TP Hồ Chí Minh ghi nhận tổng vốn FDI tăng cao, thu hút được 7,39 tỷ USD (tăng 11,8% so với cùng kỳ). Hiện TP Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp, trong đó có hơn 550 doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Ngoài ra, thành phố còn có Khu công nghệ cao (SHTP) và Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) thu hút hàng trăm doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Hitachi… Chỉ riêng tại SHTP, tổng giá trị sản lượng sản phẩm công nghệ cao đến nay đã đạt gần 45 tỷ USD. Theo Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, công ty sẽ tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất chế tạo, qua đó tăng giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, công ty cũng sẽ nâng cấp dây chuyền và công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm mới.

Trong khi đó, việc TP Hồ Chí Minh đang triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh và Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông (gồm quận 2, 9, Thủ Đức) được các nhà đầu tư đánh giá cao. Đây được xem là động lực, là “cú hích” mới trong thu hút FDI của thành phố thời gian tới. Ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các đề án trên. Hiện có hàng chục doanh nghiệp sở hữu các giải pháp và chuyên môn, gồm quy hoạch đô thị, phần cứng, phần mềm, năng lượng và công nghệ xử lý nước thải… sẵn sàng đầu tư vào thành phố.

Đầu tư có chọn lọc

Có thể thấy, thời gian qua môi trường đầu tư của thành phố đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, thành phố cần hoạch định chính sách cởi mở, minh bạch hơn, các nhân sự cấp cao cần nâng cao năng lực, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố có cơ chế đặc thù (theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội - PV).

Năm 2019, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8,3-8,5%. Hiện nay, hình thức thu hút nguồn vốn FDI của thành phố rất đa dạng. Ngoài 3 hình thức là hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thành phố có thêm các hình thức như mua vốn, đóng góp cổ phần, BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BT (xây dựng - chuyển giao)... đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc gia tăng nguồn vốn FDI vào thành phố.

TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, đồng thời vẫn bảo đảm tăng trưởng nguồn vốn này. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, nhờ thu hút FDI, kinh tế thành phố đã chuyển biến cả về lượng và chất. Chính vì vậy, thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Hiện thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư (Tổ công tác) do Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư của doanh nghiệp cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động. Mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác.

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp FDI mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân mong muốn doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của thành phố không chỉ bằng các dự án, nguồn vốn đầu tư mà còn bằng công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến cũng như sự chuẩn mực trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Qua đó, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đề nghị chính quyền thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh thu hút vốn FDI: Cải thiện mạnh môi trường đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.