Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ: Vẫn khó kiểm soát

Bạch Thanh| 31/01/2019 05:48

(HNM) - Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh nên hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động hết công suất. Bên cạnh các lò mổ công nghiệp, bán công nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm... thì mối lo khó kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn thường trực.

Hoạt động giết mổ tập trung đi vào nền nếp sẽ bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn. Ảnh: Linh Ngọc


Nỗi lo từ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Theo Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội có thể thấy, dịp cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là ở cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra khá tấp nập. Tại cơ sở giết mổ lợn của Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), trước Tết Nguyên đán 10 ngày, doanh nghiệp đã tăng 30% công suất so với ngày thường. Ông Phan Chính Minh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh cho biết: Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp giết mổ hơn 300 con lợn. Nguồn hàng đơn vị nhập từ các cơ sở chăn nuôi có kiểm soát và xuất xứ rõ ràng nên thịt lợn đưa ra thị trường tiêu thụ bảo đảm chất lượng.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp cũng nâng công suất giết mổ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua kiểm tra, cơ bản các điểm giết mổ tập trung đều bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tạo được sự an tâm đối với người tiêu dùng. Đơn cử, cơ sở giết mổ gia súc tập trung của Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt tại khu giết mổ tập trung xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) với công suất giết mổ 200 con lợn/ngày vừa đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp toàn bộ hệ thống theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân dịp Tết Nguyên đán...

Trong khi các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp thực hiện đúng quy trình, thì tại nhiều chợ dân sinh thuộc các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông… tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tự phát không bảo đảm an toàn thực phẩm diễn ra khá phổ biến. Tại chợ La Khê (quận Hà Đông), một số hộ kinh doanh giết mổ gia cầm ngay trên sàn bê tông. Trong quá trình giết mổ, phần thịt, nội tạng, phân, lông gia cầm, nước thải... lẫn với nhau. Chị Nguyễn Thị Nụ buôn bán gia cầm ở chợ La Khê cho biết, theo quy định, chỉ được bán gia cầm sống và không được giết mổ tại ki ốt. Tuy nhiên, do tập quán và thói quen tiêu dùng, chủ ki ốt vẫn lén lút phục vụ khách hàng.

Đáng nói, trong dịp này hoạt động giết mổ gia cầm sống còn diễn ra ngang nhiên ở ven nhiều đường giao thông. Tại khu vực gần trạm xe buýt nhanh BRT Trung Văn giao giữa quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông có 3 điểm bán gia cầm sống. Chủ buôn bán gia cầm ở đây bày bu gà ven đường, treo cả số điện thoại ở bên cạnh để ai có nhu cầu giết mổ gia cầm tại chỗ thì liên lạc.

Siết chặt quản lý

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, toàn thành phố hiện có 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm. So với đầu năm 2018, giảm hơn 50 điểm, song số cơ sở giết mổ có hạ tầng hiện đại tăng 16 điểm, thuộc địa bàn 7 huyện. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp về cơ bản đã được kiểm soát tốt, nhưng công tác quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn.

Tại một số chợ, gia cầm giết mổ tại chỗ mặc dù có quy định cấm. Ảnh: Thái Hiền


Để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, ở một số nơi, chính quyền địa phương thiếu chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Mặt khác, vì tâm lý nể nang, ngại va chạm với người dân của một số chính quyền cơ sở, ban quản lý chợ, nên hầu hết việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở tuyên truyền, nhắc nhở hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ... Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng chia sẻ, thói quen sử dụng gia cầm sống, giết mổ tại chỗ của người tiêu dùng đã tiếp tay cho điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ gia tăng tại các chợ dân sinh... Do đó, các cấp ngành, nhất là chính quyền xã, phường một mặt phải tăng cường tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, mặt khác cần xây dựng chuỗi tiêu thụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình đến hộ kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát không chỉ là thói quen có hại, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, cùng với các chế tài xử phạt của cơ quan chức năng, bản thân người tiêu dùng cũng nên thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn các loại sản phẩm sau giết mổ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thú y.

Để hạn chế việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tràn lan, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trước mắt, các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với lực lượng chức năng thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; nhất là dịp cao điểm như Tết Nguyên đán. Về lâu dài, Sở sẽ phối hợp với các bên liên quan rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến; đồng thời kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, tự phát...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ: Vẫn khó kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.