Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó kinh phí, khuyến khích khởi nghiệp

Khánh Vũ| 13/02/2019 07:41

(HNM) - Đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng cần có thêm cơ chế để tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng như khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.


Tại hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ghi nhận ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô đã có bước tiến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Công tác quản lý các đề tài, dự án bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Kết quả của các đề tài, dự án đã được ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Công tác thẩm định, đánh giá công nghệ đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của thành phố đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.

Hoạt động thẩm định công nghệ được lãnh đạo thành phố đánh giá cao. Số hồ sơ thẩm định của năm 2018 bằng tổng số hồ sơ của 3 năm trước đó. 27 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực mang tính cấp thiết đã được thẩm định, như: Cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bãi đỗ xe tự động, giết mổ gia súc, gia cầm...

Việc triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề đã góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân và gìn giữ, phát huy giá trị của các sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp của làng nghề truyền thống trong quá trình hội nhập.

Mặc dù đạt được nhiều thành công, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh, hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ chưa thực sự được huy động hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới còn quá ít.

Đóng góp ý kiến với Sở Khoa học và Công nghệ về vấn đề cơ chế và nguồn lực, GS.TS Phạm Ngọc Đính, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm cấp thành phố cho rằng: “Ở đâu cũng cần tăng kinh phí, tuy nhiên, thành phố nên tập trung cho các mục tiêu chính. Bên cạnh đó, cần có một quỹ hỗ trợ đối ứng cho các đề tài hợp tác quốc tế”.

Liên quan tới việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, theo Tiến sĩ Lưu Hải Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, đằng sau một giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải là một cơ chế để làm sao doanh nghiệp được cởi trói, có vốn để kinh doanh. Để có thêm nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nên miễn thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, bởi đây là hình thức khuyến khích rất hấp dẫn. Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, Tiến sĩ Lưu Hải Minh đề xuất Nhà nước bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ và quỹ đầu tư của thành phố nên tạo cơ chế để những doanh nghiệp này được vay vốn.

Nhìn chung, những ý kiến đề xuất nói trên đáng được ghi nhận, xem xét nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu về khoa học và công nghệ, tạo đà phát triển bền vững cho các doanh nghiệp cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó kinh phí, khuyến khích khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.