Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về thuế tài nguyên: Nhiều điểm “chồng lấn”, chưa phù hợp

Hà Phong| 23/03/2019 07:35

(HNM) - Sau 9 năm triển khai, Luật Thuế tài nguyên đang bộc lộ những điểm


Theo Bộ Tài chính, giai đoạn từ 2010 trở lại đây, số thu bình quân/năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam chiếm khoảng 3,8% tổng thu ngân sách nhà nước và tương đương 0,92% GDP. Hiện có 3 luật, 2 nghị định và 4 thông tư có liên quan đến thuế tài nguyên. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thuế tài nguyên còn nhiều bất cập liên quan đến người nộp thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất và quản lý thuế tài nguyên. Cụ thể như, Điểm c, Khoản 2, Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định một trong những trường hợp cụ thể về đối tượng nộp thuế: Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua.

Luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Công ty Luật Châu Á cho rằng, nếu thực hiện theo Luật Thuế tài nguyên thì mâu thuẫn với Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Lâm nghiệp. Vì theo các luật này, việc khai thác khoáng sản, lâm sản và tài nguyên nước đều phải được cấp phép hoặc phải tuân thủ những quy định chặt chẽ nhất định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thừa nhận trường hợp khai thác nhỏ, lẻ có thể dẫn đến hiểu sai về đối tượng được phép khai thác khoáng sản, sản phẩm của rừng tự nhiên và nước thiên nhiên.

Chưa hết, sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật về giá tính thuế tài nguyên dẫn đến thiếu tính minh bạch, nhất quán. Chẳng hạn, theo Điều 6, Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị tài nguyên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và trong mọi trường hợp không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định. Nhưng Điều 6, Luật Thuế tài nguyên chỉ quy định trong trường hợp không xác định được giá bán thì giá tính thuế tài nguyên mới bị khống chế không thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Như vậy, nếu thực hiện theo thông tư thì chặt chẽ, góp phần chống thất thu nhưng mâu thuẫn với luật và ngược lại.

Ngoài ra, hiện thuế suất chưa tạo động lực cân đối lại việc khai thác tài nguyên. Nước thiên nhiên là loại tài nguyên có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội và đang có xu hướng khan hiếm nhưng khung thuế suất hiện hành còn thấp, tùy theo mục đích sử dụng nước mà thuế suất từ 1% đến 10%. Đặc biệt, nhiều tài nguyên trữ lượng còn lại thấp, giá giao dịch trên thị trường thế giới khá cao nhưng lại có thuế suất rất thấp như titan, antraxít...

Một bất cập khác liên quan đến sản lượng tính thuế: Chính sách hiện nay quy định tính thuế theo sản lượng thực tế khai thác, khai thác được bao nhiêu tính bấy nhiêu. Vì vậy, có thực trạng các doanh nghiệp chỉ khai thác phần “nạc” - là tài nguyên quý, lộ thiên, dễ lấy. Ví dụ, tại những mỏ đá lớn có tài nguyên giá trị cao như đá hoa trắng, doanh nghiệp thường đầu tư máy cưa đá lưỡi kim cương cắt tầng ở khu vực dễ khai thác từ trên xuống thì lợi nhuận tăng tới 50%. Còn phần khó như đá màu, đá ốp lát loại chất lượng trung bình, kém thì doanh nghiệp để lại không làm, gây hệ lụy về môi trường, mất an toàn lao động và thất thoát tài nguyên.

Còn theo PGS.TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính, xác định sản lượng tài nguyên tính thuế phải dựa trên số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng tài nguyên nguyên khai thực tế khai thác. Theo đó, phải quy định cam kết sản lượng tối thiểu khai thác làm căn cứ tính thuế tài nguyên khi cấp phép khai thác để tránh lãng phí tài nguyên.

Những thực tế này đặt câu hỏi về tính phù hợp của các quy định pháp luật và hiệu quả công tác quản lý thuế tài nguyên hiện nay. Có thể thấy, việc rà soát và sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế tài nguyên là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Trong đó, việc cần lưu ý đầu tiên là xây dựng biểu thuế tài nguyên cần chú ý bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất trong nước, hài hòa lợi ích của cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về thuế tài nguyên: Nhiều điểm “chồng lấn”, chưa phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.